Nguyên mẫu là một khái niệm được đưa ra bởi nhà tâm thần học người Thụy Sỹ Carl Jung, ông tin rằng nguyên mẫu là những hình mẫu về con người, hành vi hay tính cách. Theo ông, nguyên mẫu là những khuynh hướng bẩm sinh đóng vai trò quan trọng, gây ảnh hưởng lên hành vi của con người.
Jung tin rằng tâm hồn con người được tạo nên từ 3 thành tố: bản ngã, vô thức cá nhân và vô thức tập thể. Cũng theo Jung, bản ngã đại diện cho ý thức, vô thức cá nhân chứa đựng những ký ức, bao gồm cả những hồi ức bị đè nén. Vô thức tập thể là một cấu phần độc đáo mà theo Jung, cấu phần linh hồn này đóng vai trò như một dạng kế thừa tâm lý từ tổ tiên xa xưa. Nó bao gồm tất cả những tri thức và kinh nghiệm được tìm thấy chung ở một giống loài.
Tâm lý học của Jung coi các nguyên mẫu đại diện cho những dạng thức và hình ảnh phổ quát, là một phần của vô thức tập thể. Jung tin rằng chúng ta kế thừa những nguyên mẫu này giống như kiểu ta được di truyền lại những dạng hành vi mang tính bản năng từ tổ tiên.
Nguồn gốc của Nguyên mẫu. The Origins of Archetypes
Nguyên mẫu đến từ đâu? Vô thức tập thể, theo quan điểm của Jung, chính là nơi tồn tại những nguyên mẫu này. Ông cho rằng những nguyên mẫu này có từ khi mới sinh ra, có ở tất cả mọi người và mang tính cha truyền con nối. Nguyên mẫu không cần phải trải qua học tập mới có và chúng vận hành nhằm giúp ta sắp xếp sự trải nghiệm của bản thân với một số thứ nhất định trong cuộc sống.
Jung giải thích trong cuốn “The Structure of the Psyche” (Cấu tạo của Tâm hồn) rằng, “Tất cả những quan niệm hùng hồn mạnh mẽ nhất trong lịch sử đều khởi nguồn từ những nguyên mẫu.”
Ông cho rằng, “Điều này cực kỳ đúng khi nói đến các quan điểm về tôn giáo, nhưng các khái niệm trọng tâm trong khoa học, triết học và đạo đức cũng không phải ngoại lệ. Trong dạng thức hiện tại, chúng là những biến thể khác nhau của các quan niệm mang tính nguyên mẫu được tạo ra bằng cách sử dụng và điều chỉnh một cách có ý thức những quan niệm này vào thực tế. Vì đây là chức năng của ý thức nên nó không chỉ nhận ra và đồng hóa thế giới bên ngoài qua những “cánh cửa” giác quan, mà còn chuyển đổi thế giới bên trong chúng ta thành một thế giới thực tế hữu hình.”
Jung phủ nhận khái niệm “Tấm bảng trắng” (tabula rasa) – coi tâm trí con người là một tấm bảng trắng trơn từ khi mới sinh ra, sau đó tấm bảng này được lấp đầy chỉ bằng nhưng trải nghiệm. Ông tin rằng tâm trí con người chứa đựng những khía cạnh nền móng mang tính vô thức và thuần sinh học từ tổ tiên chúng ta. Những “hình ảnh ban sơ”, như cách ông ví von, đóng vai trò như một nền móng cơ bản trong cách ta trở thành một con người đúng nghĩa.
Jung tin rằng, những đặc tính cổ xưa và mang hơi hướng thần thoại tạo nên nguyên mẫu có ở tất cả con người ở khắp nơi trên thế giới, chính những nguyên mẫu này đã hình tượng hóa những động lực, giá trị, và tính cách cơ bản của nhân loại hiện tại.
Ông tin rằng mỗi nguyên mẫu đóng một vai trò trong sự hình thành và phát triển tính cách, nhưng lại cảm thấy hầu hết mọi người đều bị thống trị bởi một dạng nguyên mẫu cụ thể nào đó. Cách thể hiện hay cách con người ta nhận ra một nguyên mẫu trong thực tế tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tác động về văn hóa của một cá nhân và những trải nghiệm sống của riêng họ.
Jung xác định có 4 nguyên mẫu cơ bản, nhưng ông cũng tin rằng không có giới hạn nào về số lượng nguyên mẫu tồn tại. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về 4 nguyên mẫu chính được Jung mô tả cũng như một số nguyên mẫu thường được nhắc đến khác.
Mặt nạ. The Persona
Nguyên mẫu mặt nạ là cách ta thể hiện bản thân ra với thế giới. Từ “persona” xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là “cái mặt nạ”. Tuy nhiên, đây đương nhiên không phải mặt nạ thông thường. Mặt nạ đại diện cho tất cả những “tấm mặt nạ xã hội” khác nhau mà ta đeo trong nhiều bối cảnh, với nhiều con người khác nhau. Nó như một tấm khiên bảo vệ bản ngã khỏi những hình ảnh tiêu cực. Theo quan điểm của Jung, nguyên mẫu mặt nạ có thể xuất hiện trong giấc mơ và tồn tại dưới rất nhiều hình hài.
Qua thời gian phát triển, trẻ biết được rằng chúng phải hành xử theo một số cách thực nhất định nào đó để khiến bản thân “vừa vặn” với những mong đợi và quy chuẩn từ xã hội. Nguyên mẫu này hình thành như một tấm mặt nạ xã hội để che đi tất cả những thôi thúc, ham muốn và cảm xúc nguyên thủy nhất vốn không được xã hội chấp nhận. Nguyên mẫu mặt nạ cho phép con người ta thích ứng với thế giới xung quanh và hòa mình vào xã hội nơi họ đang sống. Tuy nhiên, quá gần gũi hay sống chung với chiếc “mặt nạ” này có thể khiến con người ta dần quên lãng đi con người thật của mình.
Bóng Tối. The Shadow
Bóng Tối là một nguyên mẫu bao gồm cả bản năng sống và bản năng tình dục. Bóng Tối tồn tại như một phần của tâm trí vô thức và được cấu thành từ những ý tưởng bị đè nén, những khiếm khuyết, ham muốn, bản năng và những thiếu sót của bản thân.
Bóng Tối được sinh ra từ nỗ lực thích ứng với những quy chuẩn văn hóa và mong đợi xã hội. Nó là nguyên mẫu chứa đựng tất cả những thứ khó chấp nhận bởi không chỉ xã hội mà còn bởi chính những giá trị và phẩm chất đạo đức của chính chủ thể. Nó có thể bao gồm sự đố kỵ, lòng tham, định kiến, sự thù ghét và tính hung hăng.
Nguyễn mẫu này thường được mô tả là mặt tối của tâm hồn, đại diện cho sự hoang dã, hỗn độn và những điều bí ẩn mà chính chủ thể cũng chưa nhận thức được. Jung tin rằng, những khuynh hướng ẩn tàng này có ở tất cả chúng ta, dù con người ta có đôi lúc chối bỏ thành tố này trong tâm hồn họ và ngược lại, phóng chiếu nó lên những người khác.
Jung cho rằng Bóng Tối có thể xuất hiện trong những giấc giơ hay mộng tưởng và có thể tồn tại dưới nhiều hình hài. Nó có thể là một con rắn, một con quái vật, một con quỷ, một con rồng hoặc một hình tượng tăm tối, hoang dã hoặc kỳ lạ nào đó.
Tính nữ/Tính nam. The Anima or Animus
Tính nữ là hình ảnh nữ tính trong một linh hồn đàn ông, và tính nam là mình ảnh nam tính trong tâm hồn phụ nữ. Tính nữ/Tính nam đại diện cho “bản ngã thực sự” chứ không phải hình ảnh ta thể hiện ra với người khác và đóng vai trò như một nguồn giao tiếp cơ bản với vô thức tập thể.
Jung tin rằng những thay đổi sinh lý cũng như ảnh hưởng từ xã hội góp phần vào sự phát triển của vai trò sinh dục và bản dạng giới. Jung cho rằng sự ảnh hưởng của nguyên mẫu Tính Nam và Tính Nữ cũng có liên đới trong quá trình này, Theo Jung, tính nam thể hiện khía cạnh nam tính của phụ nữ trong khi đó, tính nữ thể hiện khía cạnh nữ tính ở đàn ông.
Những hình ảnh mang tính nguyên mẫu này dựa trên cả những cái người ta tìm thấy được ở vô thức tập thể và vô thức cá nhân. Vô thức tập thể có thể chứa đựng cách mà phụ nữ nên hành xử, trong khi đó, trải nghiệm cá nhân của họ với những người vợ, bạn gái, chị gái và mẹ góp phần tạo nên những hình ảnh đặc thù hơn về một người phụ nữ trong họ.
Tuy vậy, nhiều nền văn hóa khuyến khích đàn ông và phụ nữ phải tiếp nhận những vai trò giới mang tính truyền thống và có phần cứng nhắc. Jung cho rằng chính sự ngăn cấm đàn ông khám phá khía cạnh nữ tính và phụ nữ tìm ra khía cạnh nam tính trong họ là nguyên nhân gây hại sự phát triển tâm lý.
Sự kết hợp giữa tính nữ và tính nam được biết đến với tên gọi “syzygy” hay “cặp đôi thần thánh”. Syzygy thể hiện sự hoàn thiện, thống nhất và vẹn toàn của chủ thể.
Đại ngã. The Self
Đại Ngã (Có thể dịch là Bản Ngã nhưng để tránh trùng với the “Ego” của Freud nên trong thuyết của Jung sẽ sử dụng từ Đại Ngã – ND) là nguyên mẫu thể hiện sự thống nhất giữa ý thức và vô thức của một cá nhân. Sự hình thành Đại Ngã xuất hiện qua một quá trình gọi là cá tính hóa con người, là quá trình thống nhất nhiều khía cạnh khác nhau trong tính cách. Jung thường miêu tả Đại Ngã như một vòng tròn, hình vuông hoặc Hình Mandala (“vòng tròn đầy đủ” – ND).
Nguyên mẫu Đại Ngã đại diện cho sự thống nhất về một thể của tâm hồn. Jung cho rằng tính cách có 2 trung tâm khác nhau. Bản Ngã là trung tâm của ý thức, nhưng Đại Ngã mới chính là trung tâm của tính cách. Tính cách bao gồm không chỉ ý thức, mà còn có bản ngã và tâm trí vô thức. Bạn có thể hình dung điều này như một vòng tròn với một cái chấm ngay chính giữa. Cả vòng tròn thể hiện cho Đại Ngã, trong đó cái chấm nhỏ ở giữa đại diện cho Bản Ngã.
Đối với Jung, mục tiêu tối thượng của một cá nhân là đạt được cảm nhận thông suốt về bản thân, cảm nhận được sự kết nối liền mạch trong con người mình, cũng khá tương tự như tầng cao nhất trong tháp nhu cầu Maslow – tầng “Tự thể hiện bản thân”.
Những nguyên mẫu khác. Other Archetypes
Jung cho rằng số lượng các nguyên mẫu tồn tại là không hề bất biến hay cố định. Thay vào đó, có nhiều nguyên mẫu khác nhau bị trùng lắp hoặc được kết hợp với nhau vào bất kỳ thời điểm nào. Sau đây chỉ là một số trong rất nhiều những nguyên mẫu được Jung mô tả:
– Cha: một hình tượng quyền lực; nghiêm nghị; mạnh mẽ. The father: Authority figure; stern; powerful.
– Mẹ: Bảo bọc; hay vỗ về. The mother: Nurturing; comforting.
– Đứa bé: Khao khát sự ngây thơ; tái sinh; sự cứu rỗi. The child: Longing for innocence; rebirth; salvation.
– Ông lão khôn ngoan: Dẫn dắt; kiến thức; sự khôn ngoan. The wise old man: Guidance; knowledge; wisdom.
– Anh hùng: Nhà vô địch; người bảo hộ; người cứu nạn. The hero: Champion; defender; rescuer.
– Trinh nữ: Trong trắng; Khát vọng; thuần khiết. The maiden: Innocence; desire; purity.
– Kẻ lừa đảo: Gian xảo; dối trá; gây rối. The trickster: Deceiver; liar; trouble-maker.
Kết luận. Final thoughts
Các ý tưởng của Jung ngày càng ít được mọi người bàn thảo hơn Freud, thường là vì những công trình của Jung có khuynh hướng đi theo những điều huyễn hoặc và giả khoa học. Nhìn tổng thể, những nguyên mẫu của Jung đã không được coi trọng trong tâm lý học hiện đại và thường được đào sâu như một thứ đồ tạo tác của lịch sử, trong những địa hạt của phê bình văn chương và áp dụng thần thoại học vào văn hóa đại chúng, hơn là một đóng góp lớn cho ngành khoa học về tâm trí và hành vi.
Tham khảo. Article Sources
Jung CG. Structure & Dynamics of the Psyche in The Collected Works of CG Jung. V. 8. Princeton University Press. 1960.
Nguồn: https://www.verywellmind.com/what-are-jungs-4-major-archetypes-2795439
Như Trang – Khám phá tâm lý học ( https://trangtamly.blog/ )