HỆ QUẢ SỨC KHỎE TÂM LÝ CỦA CÁC THẦN TƯỢNG HÀN QUỐC – SỨC NẶNG CỦA CHIẾC VƯƠNG MIỆN.

Theo báo cáo của Korea Foundation, Làn sóng Hallyu hay hiện tượng văn hóa đại chúng Hàn Quốc đã thu hút gần 90 triệu người hâm mộ trên toàn thế giới. Trong đó, K-Pop đóng vai trò quan trọng trong sự phổ biến ngày càng tăng của văn hóa Hàn Quốc trên toàn cầu nhờ vào các màn trình diễn xuất sắc và giá trị sản xuất cao. Cái chúng ta thường thấy là những khía cạnh đẹp đẽ và hoàn hảo của K – pop: từ các nghệ sĩ luôn nở nụ cười; nhân cách đáng ngưỡng mộ; những sản phẩm luôn duy trì thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng; lượt view và theo dõi khủng trên các nền tảng mạng xã hội; đại diện cho những nhãn hàng thời trang xa xỉ; đi lưu diễn vòng quanh thế giới; trò chuyện trực tiếp với người hâm mộ trong khi ăn; nội dung giải trí đa dạng, v.v.

Tuy nhiên, để đáp ứng những tiêu chuẩn cao đó của K – pop, các thần tượng phải trải qua nhiều năm đào tạo để tồn tại trong ngành công nghiệp cạnh tranh. Điều này làm cho K-Pop trở thành một ngành công nghiệp áp lực cao ngay từ khi bắt đầu. Vậy đằng sau những hào quang và danh vọng đó là gì?

Những gì ở hậu trường ta không thể thấy…

K- Pop là một ngành công nghiệp giải trí khắc nghiệt với lượng khán giả khó tính nhất, gây ra nhiều thần tượng kiệt quệ tinh thần và bệnh tâm lý trong thầm lặng.

Các thần tượng K-Pop bắt đầu sự nghiệp của họ thông qua một quá trình thử giọng, cạnh tranh với hàng trăm người khác có cùng ước mơ. Sau khi vượt qua, họ sẽ ký hợp đồng và trở thành thực tập sinh chính thức của công ty. Công ty thường đầu tư một số lượng lớn tiền vào việc ăn, ở và đào tạo cho các thực tập sinh, và nếu một thực tập sinh nghỉ việc, họ có thể phải trả lại số tiền lớn cho công ty như một tài sản thế chấp. Ngay cả sau khi ký hợp đồng, các thần tượng K-Pop vẫn phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt và cạnh tranh với nhau để có cơ hội ra mắt chính thức (debut), vì vậy họ điên cuồng tham gia vào các lớp học hát, nhảy, diễn xuất và thậm chí cả học ngôn ngữ trong khi vẫn đi học ban ngày. Tiến độ và hiệu suất của họ được đánh giá hàng tháng. Không có chỗ cho sai sót, nếu không vị trí của họ sẽ bị người khác chiếm mất.

Áp lực không dừng lại sau khi các thần tượng ra mắt chính thức, họ phải tiếp tục áp lực để duy trì ngoại hình nhất định thông qua chế độ ăn kiêng khắc nghiệt theo tiêu chuẩn về vẻ đẹp Hàn Quốc, yêu cầu gầy và nhợt nhạt. Trong khi đó, vẫn phải tập luyện, sản xuất album, quay quảng cáo, chụp ảnh và tham gia chương trình giải trí. Thông thường, sự kiệt quệ về thể chất cũng không cho phép họ nghỉ ngơi, bởi các lịch trình công việc được lên từ cả năm trước, và họ cũng không thể thể hiện điều đó để có sự “chuyên nghiệp” trong mắt người hâm mộ. Áp lực ở cường độ cao và liên tục này gây ra mệt mỏi về thể chất, kéo theo căng thẳng tinh thần, sự bất an và tự ti.

Bên cạnh đó, các bảng xếp hạng và các chỉ số tài chính từ các sản phẩm âm nhạc trong ngành K-Pop khiến các thần tượng liên tục phải đối mặt với sự so sánh cùng những đồng nghiệp của mình. Nếu các nghệ sĩ Âu Mỹ thường nổi loạn và chỉ làm những gì họ muốn, thì các thần tượng K-Pop luôn phải duy trì hình ảnh hoàn hảo của mình. Họ thường phải đối mặt với những ý kiến ​​đánh giá và chỉ trích khắt khe từ công chúng và người hâm mộ, cũng như áp lực để luôn xuất hiện tốt nhất trên sân khấu và trong các hoạt động quảng cáo. Cuộc sống riêng tư gần như hoàn toàn biến mất, nhất cử nhất động của họ đều bị phóng viên theo sát và chụp lại. Và chỉ cần một cú nhấp chuột là các cư dân mạng Hàn Quốc có thể đưa ra những bình luận phê phán ác ý nhắm vào các thần tượng. Điều này nếu diễn ra liên tục có thể khiến các thần tượng luôn căng thẳng về ngoại hình, tự ti vào bản thân, và cảm giác bất an, lâu dần dẫn tới các chứng rối loạn lo âu và trầm cảm.

Ngoài ra, cuộc sống cá nhân của các thần tượng thường bị hạn chế do lịch trình vô cùng bận rộn và kiểm soát nghiêm ngặt từ công ty quản lý. Đa phần trong số họ xa gia đình, những người thân yêu từ tuổi thiếu niên, lớn lên trong nhà chung của công ty quản lý, và có rất ít thời gian cho gia đình bạn bè. Sự cô đơn và cảm giác bị cách ly này có thể khiến họ cảm thấy buồn bã và không thể chia sẻ những mối quan tâm và lo lắng của mình. Bên cạnh đó, các thần tượng phải tuân theo quy tắc cấm hẹn hò để duy trì hình ảnh “bạn gái” và “bạn trai” chỉ dành cho người hâm mộ. Vì thế, mặc dù sống trong sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ, các thần tượng thường có mối quan hệ hạn chế và cảm thấy cô đơn do sợ rằng người ta chỉ yêu thích họ vì danh tiếng, chứ không phải vì con người thật của họ. Điều này khiến họ cảm thấy xa lạ và cô đơn ngay cả với những người quan trọng nhất trong cuộc sống của họ. Sự cô đơn là một dấu hiệu khác của trầm cảm.

Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới trầm cảm chỉ có ở những người nổi tiếng, theo bác sĩ tâm lý Kim Byung-soo, làm việc tại Trung tâm Y tế Châu Á, đã phân tích trong một cuộc phỏng vấn với The Korea Herald. Ông cho biết rằng sự bất ổn về cảm xúc và sự tách biệt về bản sắc thường là nguyên nhân chính khiến các thần tượng trở nên trầm cảm. Sự nổi tiếng có nghĩa là sống với hai danh tính: “xã hội” và “thực tế”. Khi danh tiếng của họ gia tăng, áp lực để xuất hiện hoàn hảo trước công chúng tạo ra sự không cân bằng trong tính cách “xã hội” của họ – khiến họ đánh mất con người thật của mình và trở nên phụ thuộc vào tính cách giả tạo của mình để được người khác xác nhận. Điều này bào mòn họ mỗi ngày, khiến tâm hồn họ lạc lối trong chính cơ thể của mình.

Tuy nhiên, trong ngành công nghiệp K-Pop, trầm cảm và vấn đề tâm lý không được đặt lên bàn thảo luận nhiều. Rõ ràng, việc một thần tượng chia sẻ về trạng thái sức khỏe tinh thần của mình là cấm kỵ và chưa bao giờ là một lựa chọn được cân nhắc. Điều này khiến tình trạng tâm lý của họ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian mà không được quan tâm hay chữa trị đầy đủ, và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như các vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc thậm chí tự sát.

Vào năm 2019, Mina – thành viên của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc TWICE, đã không thể tham gia vào lịch trình trở lại tại Nhật Bản. Công ty quản lý JYP Entertainment đã thông báo rằng cô ấy sẽ không tham gia phần còn lại của lịch trình chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới của nhóm do phải điều trị chứng rối loạn lo âu. Thông tin này đã gây sốc cho người hâm mộ. Họ đã nghĩ rằng đây chỉ là một vấn đề về sức khỏe thể chất, nhưng thực tế lại là một cuộc đấu tranh về sức khỏe tinh thần, mà việc điều trị có thể mất nhiều thời gian hơn. Thành viên Suga của BTS cũng đã đề cập đến vấn đề rối loạn lo âu và trầm cảm trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Yonhap. Anh cho biết: “Sự lo lắng và cô đơn dường như theo tôi suốt cuộc đời… Cảm xúc rất khác nhau trong mọi tình huống và mọi khoảnh khắc, vì vậy tôi nghĩ rằng cuộc sống phải chịu đựng trong từng khoảnh khắc ”. Rất nhiều cái tên khác như Kang Daniel, Jeongyeon, Younha .v.v cũng đã và đang đấu tranh với các vấn đề sức khỏe tinh thần. Một số họ vượt qua được, một số thì không.

Đáng tiếc nhất phải kể đến những thần tượng K-Pop hàng đầu tự kết liễu đời mình khi tuổi đời còn rất trẻ, sau khi chiến đấu với căn bệnh trầm cảm, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội, như: Jonghyun (1990 – 2017) của nhóm SHINee, và Sulli (1994 – 2019) của f(x), mới đây nhất là Moonbin ( 1998 – 2023 ) của Astro.

Suy ngẫm về tương lai

Tất nhiên, không phải tất cả các thần tượng đều chịu đựng đau khổ và các vấn đề sức khỏe tinh thần. Bởi lẽ ngưỡng chịu đựng và các nguồn lực nâng đỡ của mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên các áp lực vô cùng khắc nghiệt trong ngành công nghiệp K-Pop là có thật.

Trong một vài năm trở lại đây, mọi thứ đang thay đổi chậm nhưng chắc chắn khi ngày càng có nhiều ngôi sao K-Pop thẳng thắn và trung thực về việc cần nghỉ ngơi để tập trung vào sức khỏe tinh thần của họ. Một số công ty quản lý đã bắt đầu cung cấp hỗ trợ tâm lý cho các thần tượng của mình và tổ chức các chương trình giáo dục về sức khỏe tâm thần. Hơn nữa, một số thần tượng đã dũng cảm chia sẻ câu chuyện cá nhân về trầm cảm và sức khỏe tâm thần của mình để giúp nâng cao ý thức và giảm bớt áp lực cho người hâm mộ.

Tuy nhiên, trước sự thay đổi xã hội tích cực này, ngay cả những người nổi tiếng khi nói về cuộc đấu tranh sức khỏe tâm thần của họ cũng phải đối mặt với những phản ứng khắc kỷ như “Cái đầu đội vương miện nặng nề” – rằng áp lực tinh thần như vậy là cái giá không thể tránh khỏi của sự nổi tiếng và giàu có. Đặc biệt, các thần tượng K-Pop, hầu hết ở độ tuổi cuối thiếu niên và đầu 20, được kỳ vọng sẽ luôn thể hiện hình ảnh tươi sáng và vui vẻ. Vì vậy, họ thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thể hiện bất kỳ khó khăn sức khỏe tinh thần nào mà họ có thể đã phải đối mặt.

Những người nổi tiếng tiết lộ rằng họ trải qua lo lắng và trầm cảm, nhưng nếu một người nổi tiếng mắc chứng rối loạn nghiêm trọng như tâm thần phân liệt chẳng hạn, thì ai sẽ muốn tiết lộ điều đó? Ngay cả trầm cảm cũng ít được nói đến hơn so với lo lắng, bởi vì các thần tượng không thực sự muốn nói về việc họ buồn như thế nào trước mặt người hâm mộ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *