Tại sao bạn nên nói chuyện với chú chó của mình?

Khi bạn cố gắng bắt mình nói chuyện với chú chó của mình, có thể bạn sẽ cảm thấy một chút ngượng ngùng hoặc ngớ ngẩn, đặc biệt là khi có người khác xung quanh. Nhưng không có lí do gì để cảm thấy không thoải mái vì thực tế bạn đang làm một điều có lợi cho cả bạn và chú cún của mình.

Đầu tiên, chó phản ứng với tông điệu cảm xúc trong giọng nói của chúng ta. Chúng ta thường nói chuyện với chú chó bằng tông điệu cao hơn bình thường hoặc giọng nói như hát, cảm tưởng như “nói chuyện với trẻ con.” Các nhà nghiên cứu gọi điều này là “nói chuyện hướng về chó,” và hóa ra rằng chó thực sự ưa thích điều này. Không chỉ tông điệu nói chuyện này thu hút sự chú ý của chúng hơn so với lời nói bình thường, mà theo một nghiên cứu trong Tư duy động vật, những chú chó cũng chọn dành nhiều thời gian hơn bên cạnh những người sử dụng tông điệu này.

Ngay cả khi những chú chó không hiểu chính xác những gì đang được nói, chúng cũng xử lý ngôn ngữ của con người trong cùng các khu vực não mà con người sử dụng. Theo dõi hình ảnh cộng hưởng từ nguyên tử (fMRI) trong nghiên cứu do Attila Andics dẫn đầu đã phát hiện ra rằng khi chó và con người trong trạng thái tỉnh táo và cùng nghe một người khác nói, các khu vực trên não bộ người và chó sáng lên như nhau – và cả hai đều nhạy cảm với tông điệu cảm xúc trong những lời nói.

Một nghiên cứu khác được công bố trong tạp chí NeuroImage cho biết, thông qua quét hình ảnh cộng hưởng từ nguyên tử (fMRI), trung tâm phần thưởng của não chó phản ứng mạnh hơn với giọng của chủ nhân chúng hơn là với giọng của người khác. Chỉ cần nghe giọng của bạn làm cho chó của bạn hạnh phúc.

Một điểm lợi ích khác nữa, đó là nếu bạn nói chuyện với chó của mình một cách trực diện và nhìn vào đôi mắt của nó, lúc này, cả hai sẽ đều có khả năng trải qua một làn sóng oxytocin (thường được gọi là “hormone tình yêu” hoặc “hormone vuốt ve”), điều này sẽ làm cho đôi bên cảm thấy cực kỳ thoải mái.

Thú vị thay, nghiên cứu được công bố trong tạp chí Anthrozoös phát hiện rằng một số người cảm thấy thoải mái hơn khi tâm sự với chú chó của họ về những cảm xúc không dễ chịu, như trầm cảm, ghen tức, lo âu, thờ ơ và sợ hãi, thay vì chia sẻ với người yêu hoặc bạn bè tin cậy. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng điều này có thể là do những chú chó không mang đến cảm giác bị đánh giá và phán xét trong lúc lắng nghe.

Sau tất cả, chú chó của bạn không thể ngắt lời hoặc phản đối ý kiến của bạn. Chúng cũng sẽ không tiết lộ các bí mật của bạn hay cố gắng đưa ra các ý kiến hoặc thôi thúc bạn phải làm gì. Thay vào đó, chúng sẽ ngồi hoặc nằm đó, trở thành những người lắng nghe vô cùng tinh tế của bạn.

Điều tuyệt vời ở đây là việc bạn có thể trải lòng và thực sự “được lắng nghe”. Bên cạnh đó, việc diễn đạt cảm xúc của bạn thành lời nói có thể giúp bạn xử lý những cảm xúc trong không gian an toàn này. Việc đặt tên hoặc dán nhãn cho cảm xúc của bạn phần nào giảm bớt sự tác động tiêu cực của chúng và giúp bạn cảm thấy vơi bớt nỗi niềm, theo nghiên cứu được thực hiện bởi Matthew Lieberman và đồng nghiệp.

Tất nhiên, điều này vẫn đúng khi bạn trò chuyện với một người bạn. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là nằm ở việc chú chó của bạn thực sự không tham gia vào cuộc trò chuyện về cảm xúc của bạn, bạn sẽ ít có khả năng suy nghĩ nhiều về nó và có khả năng tiến lên phía trước hơn. Chú chó của bạn có thể giúp đỡ bạn ở điều này bằng cách làm bạn mất tập trung hoặc khuyến khích bạn chơi hoặc ôm nó, điều này sẽ cải thiện tâm trạng của bạn và củng cố mối liên kết giữa bạn và nó.

– Theo Psychology Today –