5 Nguyên nhân nào dẫn tới bệnh trầm cảm?

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng trầm cảm là căn bệnh ngày càng phổ biến trong xã hội. Trầm cảm không tự nhiên xuất hiện. Dù biểu hiện có thể giống nhau, nhưng nguyên nhân gây ra trầm cảm ở mỗi người lại có thể rất khác biệt. Vậy, có những nguyên nhân nào dẫn tới bệnh trầm cảm? Bài viết dưới đây sẽ trang bị kiến thức cho bạn về vấn đề này.

Tại sao cần xác định nguyên nhân của bệnh trầm cảm?

Việc xác định nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm không chỉ là bước đầu trong quá trình điều trị, mà còn đóng vai trò then chốt để đảm bảo trị liệu đúng hướng và hiệu quả. Những lý do nào  khiến điều này trở nên quan trọng như vậy? Đó là bởi vì:

  • Yếu tố gây nên bệnh trầm cảm ở mỗi người là khác nhau: Có người bị ảnh hưởng bởi yếu tố sinh học như di truyền, rối loạn chất dẫn truyền thần kinh não bộ. Người khác lại bị tổn thương tâm lý do mất mát, bạo lực hoặc áp lực kéo dài. Lại có người chịu ảnh hưởng mạnh từ môi trường sống bị cô lập, thiếu hỗ trợ. Vì thế, không thể áp dụng một cách tiếp cận chung cho tất cả những người mắc bệnh trầm cảm.
  • Nguyên nhân khác nhau dẫn tới phương pháp điều trị khác nhau:
    • Nếu yếu tố sinh học là nguyên nhân chủ yếu, thuốc chống trầm cảm có thể là hướng lựa chọn phù hợp nhất.
    • Nếu nguyên nhân nằm ở nhận thức, cảm xúc chưa được xử lý, trị liệu tâm lý là phương pháp chính để can thiệp trong trường hợp này.
    • Nếu đến từ môi trường độc hại, điều quan trọng là thay đổi hoặc xây dựng lại hệ thống hỗ trợ xã hội.
  • Xác định đúng nguyên nhân giúp tránh chẩn đoán sai và điều trị lệch hướng: Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều người tự gán nhãn bệnh trầm cảm cho cảm xúc thoáng qua – hoặc ngược lại, coi nhẹ những biểu hiện tâm lý nghiêm trọng.
  • Can thiệp đúng nguyên nhân giúp phòng ngừa tái phát: Bệnh trầm cảm không chỉ là vấn đề chữa khỏi một lần là xong, mà nó còn là quá trình phòng ngừa lâu dài. Hiểu gốc rễ giúp người bệnh và nhà chuyên môn tâm lý xây dựng kế hoạch phòng ngừa phù hợp.
Việc xác định nguyên nhân giúp đánh giá đúng mức độ của bệnh trầm cảm.
Việc xác định nguyên nhân giúp đánh giá đúng mức độ của bệnh trầm cảm – Nguồn: Miền Hải Đăng

Như vậy, hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh trầm cảm giống như việc soi đèn vào bản đồ tâm lý của người mắc phải, để biết nên bắt đầu từ đâu, đi hướng nào, và tránh lạc đường trong hành trình hồi phục.

Đọc thêm: Trầm cảm khác gì với buồn chán?

5 Nguyên nhân nào dẫn tới bệnh trầm cảm?

Yếu tố sinh học

Xét về mặt sinh học, các yếu tố dưới đây được tìm thấy ở những người mắc bệnh trầm cảm:

  • Di truyền học: Theo một nghiên cứu tổng hợp trên hơn 2 triệu cặp song sinh tại Thụy Điển, yếu tố di truyền có thể giải thích khoảng 38% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Những người có người thân trực hệ (cha mẹ, anh chị em ruột) từng mắc trầm cảm sẽ có nguy cơ cao hơn đáng kể mắc vấn đề này.
  • Chất dẫn truyền thần kinh: Bệnh trầm cảm có liên quan tới sự rối loạn trong cân bằng các chất như serotonin, norepinephrine, và dopamine – những chất điều khiển tâm trạng, giấc ngủ và cảm giác hạnh phúc. Khi các chất này thiếu hụt hoặc hoạt động bất thường, người bệnh dễ rơi vào trạng thái suy sụp kéo dài.
  • Cấu trúc và chức năng não bộ: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng người mắc bệnh trầm cảm có thể có sự khác biệt ở vùng hạch hạnh nhân và vỏ não trước trán – những khu vực liên quan đến xử lý cảm xúc và ra quyết định. Điều này lý giải vì sao người trầm cảm thường khó kiểm soát cảm xúc, hay có quyết định tiêu cực về bản thân và cuộc sống.

Yếu tố tâm lý

Tâm lý cá nhân – từ cách suy nghĩ đến cách phản ứng với cuộc sống – có thể đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành và duy trì bệnh trầm cảm. Một số yếu tố phổ biến bao gồm:

  • Sang chấn tâm lý thời thơ ấu hoặc trong cuộc sống trưởng thành: Những người từng trải qua mất mát, bạo lực, lạm dụng hoặc bị bỏ rơi có nguy cơ cao hơn mắc bệnh trầm cảm. Một nghiên cứu tổng hợp nhiều bằng chứng cho thấy tổn thương cảm xúc sớm không chỉ ảnh hưởng tức thời mà còn tạo ra các mô thức nhận thức kém thích ứng, góp phần hình thành tam giác nhận thức tiêu cực trong trầm cảm.
  • Đặc điểm tính cách: Những người tự ti, nhạy cảm quá mức với đánh giá tiêu cực, hay lo âu hoặc có xu hướng cầu toàn thường dễ bị rối loạn trầm cảm hơn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự hình thành các mô thức suy nghĩ tiêu cực là yếu tố then chốt làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Các rối loạn tâm thần đi kèm: Bệnh trầm cảm thường không tồn tại đơn lẻ. Các rối loạn như rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách, nghiện rượu hoặc chất kích thích có thể song hành, làm nặng thêm tình trạng trầm cảm hoặc cản trở quá trình hồi phục.

Yếu tố môi trường – xã hội

Đây cũng là một yếu tố quan trọng dẫn tới các vấn đề liên quan đến bệnh trầm cảm. 

  • Căng thẳng tích lũy từ nhiều sự kiện tiêu cực liên tiếp: Nghiên cứu mô tả rằng bệnh trầm cảm thường không khởi phát từ một sự kiện đơn lẻ, mà từ chuỗi các hoàn cảnh khó khăn dồn dập tác động lên những điểm dễ tổn thương của cá nhân. Khi ngưỡng chịu đựng bị vượt qua, người đó dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
  • Tác động âm thầm từ các mối quan hệ: Trong một ví dụ lâm sàng, một người phụ nữ mắc bệnh trầm cảm vào mùa hè hằng năm mà không rõ lý do, cho đến khi phát hiện ra rằng sự hiện diện của người con trai với thái độ chỉ trích ngấm ngầm đã làm tổn thương lòng tự trọng của bà. Điều này cho thấy, kể cả khi không có xung đột công khai, một môi trường thiếu hỗ trợ hoặc có những tương tác tiêu cực lặp lại cũng có thể là yếu tố nguy cơ trầm cảm.
  • Khó nhận diện nguyên nhân do diễn tiến âm thầm: Các yếu tố môi trường gây bệnh trầm cảm có thể không dễ phát hiện. Nhiều người trải qua các đợt trầm cảm nhưng không nhận ra mối liên hệ giữa các giai đoạn đó với những điều kiện hoàn cảnh lặp lại – dẫn đến việc trầm cảm bị chẩn đoán muộn hoặc sai lệch.

Yếu tố không xác định

Không phải ai mắc bệnh trầm cảm cũng có thể chỉ ra rõ ràng nguyên nhân khiến họ rơi vào trạng thái ấy. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp mà:

  • Người bệnh không trải qua sang chấn rõ ràng.
  • Môi trường sống, công việc, các mối quan hệ vẫn ổn định.
  • Họ vẫn đi làm, sinh hoạt, và không có một lý do khách quan nào để buồn chán.

Tuy nhiên, trầm cảm vẫn xảy ra. Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng, một số trường hợp trầm cảm không thể quy về một yếu tố duy nhất. Chúng có thể xuất hiện do sự cộng hưởng âm thầm từ nhiều yếu tố nhỏ: sự tích tụ áp lực kéo dài, mô thức nhận thức tiêu cực đã hình thành từ trước, hoặc những thay đổi sinh học trong cơ thể mà người bệnh không ý thức được.

Ngoài ra, việc khó nhận diện nguyên nhân còn đến từ:

  • Tự vệ tâm lý: Nhiều người quên có chủ đích hoặc né tránh những trải nghiệm tổn thương từng xảy ra, khiến chính họ cũng không kết nối được trầm cảm với nguyên nhân thật sự.
  • Mức độ thích nghi của người mắc: Một số người có thể chịu đựng áp lực rất lớn trong thời gian dài mà không nhận ra bản thân đã vượt quá giới hạn, và các triệu chứng trầm cảm bắt đầu bộc lộ.

Đây chính là một trong những lý do chủ chốt khiến nhiều trường hợp bị bỏ qua hoặc không được hỗ trợ kịp thời.

Yếu tố nhầm tưởng

Trong thời đại thông tin lan truyền nhanh chóng như hiện nay, rất nhiều người bắt đầu nhận ra các vấn đề cảm xúc của mình. Điều này là cần thiết để chúng ta tự theo dõi sức khỏe tinh thần của mình. Tuy nhiên, cũng có không ít người tự chẩn đoán các vấn đề tâm lý như trầm cảm dẫn đến nhiều hệ quả nguy cơ.

Vì sao lại dễ nhầm?

  • Thông tin “rút gọn” trên mạng xã hội: Nhiều nội dung nhanh, chủ yếu để thu hút người xem, mô tả trầm cảm qua vài biểu hiện như “thấy mệt”, “muốn ở một mình”, “ngủ nhiều” – khiến người đang trải qua những cảm xúc buồn chán thông thường cũng nghĩ rằng mình đang mắc trầm cảm.
  • Thiếu phân biệt giữa cảm xúc tạm thời và rối loạn tâm lý: Ví dụ như buồn vì thi trượt, thất tình hay mệt mỏi vì “deadline” là những cảm xúc hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu người xem không hiểu được sự khác biệt về thời gian, mức độ và ảnh hưởng chức năng sống, họ dễ gán nhãn trầm cảm cho mình.
  • Sự lan tỏa của trào lưu bệnh tâm lý: Một số bộ phận những người coi các bệnh lý về tâm lý như trầm cảm là một trào lưu và tự gán nhãn lên bản thân để bắt kịp xu thế. Điều này có thể đến từ việc họ mong muốn trở nên đặc biệt hơn, hoặc mong muốn sự quan tâm của ai đó chỉ khi họ mắc bệnh.

Việc tra cứu thông tin và tự quan sát cảm xúc là cần thiết. Nhưng để xác định mình có đang mắc trầm cảm hay không, bạn cần phải có sự đánh giá tâm lý bài bản và chuyên nghiệp từ cá nhà tâm lý học hoặc các bác sĩ tâm thần mới có thể đưa ra đánh giá chính xác và toàn diện.

Các nội dung nhanh trên mạng xã hội có thể khiến bạn nhầm tưởng về bệnh trầm cảm.
Các nội dung nhanh trên mạng xã hội có thể khiến bạn có nhiều nhầm tưởng về bệnh trầm cảm – Nguồn: Miền Hải Đăng

Kết luận

Trầm cảm là một rối loạn phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trên đây là 5 nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, bao gồm: yếu tố sinh học, yếu tố tâm lý, yếu tố môi trường – xã hội, yếu tố không xác định và yếu tố nhầm tưởng. Việc hiểu rõ các nguyên nhân giúp bạn nhận diện sớm và tìm kiếm sự hỗ trợ phù hợp. 

Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân đang gặp các vấn đề về trầm cảm, bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ của các nhà tham vấn và trị liệu tâm lý tại Miền Hải Đăng để được đánh giá kỹ lưỡng vấn đề và can thiệp kịp thời cũng như hiệu quả.

Bạn có thể đặt lịch với các nhà tham vấn và trị liệu tâm lý nhiều kinh nghiệm của Văn phòng tâm lý Miền Hải Đăng TẠI ĐÂY.
Hoặc bạn còn bất kỳ thắc mắc, băn khoăn nào cần giải đáp, đừng ngần ngại nhắn tin cho Miền Hải Đăng qua zalo hoặc messenger nhé!

CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ 5 NGUYÊN NHÂN DẪN TỚI BỆNH TRẦM CẢM

1. Nguyên nhân nào dẫn tới bệnh trầm cảm?

Bệnh trầm cảm có thể khởi phát từ yếu tố sinh học, tâm lý, môi trường xã hội hoặc do nhiều yếu tố phối hợp. Di truyền và sang chấn thời thơ ấu là hai nhóm nguyên nhân được nghiên cứu nhiều nhất.

2. Tại sao cần xác định nguyên nhân trầm cảm?

Vì mỗi nguyên nhân dẫn tới hướng điều trị khác nhau. Hiểu đúng lý do sẽ giúp điều trị bệnh trầm cảm đúng cách và nhanh hồi phục hơn.

3. Nguyên nhân nào lớn nhất dẫn đến trầm cảm?

Không có nguyên nhân lớn nhất cho tất cả các trường hợp mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, tương tác giữa di truyền và sang chấn thời thơ ấu là yếu tố nguy cơ mạnh nhất được ghi nhận.

4. Tự chẩn đoán trầm cảm cho mình có được không?

Không. Trầm cảm cần được đánh giá bởi chuyên gia tâm lý. Việc tự chẩn đoán dễ dẫn đến sự nhầm lẫn với cảm xúc thoáng qua hoặc các rối loạn khác, gây nên sự chậm trễ trong quá trình phát hiện và điều trị.

5. Làm sao để ngăn ngừa trầm cảm?

Giữ lối sống lành mạnh, duy trì kết nối xã hội, rèn luyện cảm xúc và tìm hỗ trợ sớm khi thấy dấu hiệu kéo dài cảnh báo các vấn đề liên quan đến bệnh trầm cảm.

Để lại một bình luận

Các trường bắt buộc được đánh dấu *