Trầm cảm đang trở thành một trong những vấn đề sức khỏe tâm lý phổ biến và đáng quan tâm nhất hiện nay. Dù ngày càng nhiều người nhắc đến nó, nhưng sự hiểu lầm và đánh giá sai về trầm cảm vẫn còn tồn tại khá phổ biến – ngay cả với những người đang mắc phải. Vậy trầm cảm thực chất là gì? Điều gì khiến nó khởi phát và kéo dài? Làm sao để nhận biết đúng – và quan trọng hơn, điều trị nó như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện, khoa học nhưng dễ hiểu về trầm cảm.
Trầm cảm là gì?
Trước đây, khi các khái niệm về sức khỏe tâm thần chưa được phổ biến, nhiều người có sự nhầm tưởng rằng trầm cảm đơn giản là buồn lâu hơn bình thường. Tuy nhiên, trên thực tế, trầm cảm (depression) là một rối loạn tâm lý có tổ chức (các triệu chứng có liên kết với nhau), kéo dài, ảnh hưởng sâu rộng đến cảm xúc, tư duy, hành vi và cả cơ thể, dẫn tới suy giảm chức năng sống.
Trầm cảm được công nhận là bệnh lý, và theo tài liệu Phân loại thống kê quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khoẻ liên quan (International Statistical Classification of Diseases and Related Health Problems – ICD 10), đây là rối loạn khí sắc đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, mất hứng thú, giảm năng lượng, kéo dài ít nhất 2 tuần và ảnh hưởng đến chức năng nghề nghiệp, xã hội hoặc cá nhân.
Người trầm cảm thường thấy mình trống rỗng, kiệt sức, mất kết nối với mọi thứ từng khiến họ vui, dù bên ngoài có thể chẳng có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Chẳng hạn như, một người đang làm việc tốt, có gia đình yên ổn, bỗng thấy không còn thiết tha gì cả, không muốn gặp ai, không cảm thấy hạnh phúc, và cảm thấy cuộc sống vô nghĩa – người này rất có thể đang gặp vấn đề trầm cảm.

Tìm hiểu thêm: Trầm cảm khác gì với buồn chán?
Nguyên nhân nào dẫn tới bệnh trầm cảm?
Bệnh trầm cảm không xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất. Thay vào đó, nó được hình thành từ sự tương tác qua lại giữa các yếu tố như: sinh học, tâm lý, môi trường và cách cá nhân đối mặt với cuộc sống.
Yếu tố sinh học liên quan đến trầm cảm
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng trầm cảm có liên quan đến:
- Sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não (như serotonin, norepinephrine).
- Sự khác biệt trong cấu trúc hoặc hoạt động não ở vùng kiểm soát cảm xúc.
- Yếu tố di truyền khi một người có nguy cơ mắc trầm cao nếu trong gia đình có người từng mắc trầm cảm.

Yếu tố nhận thức – tâm lý liên quan đến trầm cảm
Theo các nhà tâm lý học nhận thức, một số người mắc trầm cảm vì họ có xu hướng suy nghĩ tiêu cực kéo dài:
- Nhìn nhận bản thân là kém cỏi, vô dụng.
- Nhìn thế giới là nơi đầy rủi ro, thiếu công bằng.
- Nhìn tương lai với sự bi quan, vô vọng.
Mô hình này được gọi là “tam giác nhận thức tiêu cực”, và có thể bắt nguồn từ tuổi thơ bị phê phán, thiếu công nhận hoặc trải nghiệm tổn thương.
Yếu tố môi trường – xã hội liên quan đến trầm cảm
Các biến cố trong cuộc sống như mất người thân, ly hôn, thất nghiệp, bị bạo hành hay cô lập xã hội,… cũng có thể làm khởi phát trầm cảm ở một người, nhất là khi chúng xảy đến dồn dập mà không có sự hỗ trợ đúng cách dành cho họ. Tuy nhiên, không phải ai gặp phải những khó khăn trên cũng diễn tiến thành căn bệnh này. Nó còn dựa trên nền tảng tâm lý và kinh nghiệm ứng phó với nghịch cảnh của mỗi cá nhân được tích lũy thành vốn sống.
Ngoài ra, mặc dù không quá phổ biến, vẫn có một số những người mắc trầm cảm mà không xác định được nguyên nhân. Họ vẫn đi làm, vẫn có gia đình, nhưng cảm thấy trống rỗng, kiệt sức và không còn thiết tha với cuộc sống. Điều đó cho thấy đây là một rối loạn âm thầm, phức tạp và không dễ nhận biết.
Tìm hiểu thêm: 5 nguyên nhân nào dẫn tới bệnh trầm cảm?
Làm thế nào nhận biết dấu hiệu trầm cảm?
Mặc dù trầm cảm là một rối loạn tâm lý phức tạp, vẫn có một số dấu hiệu cơ bản để bạn có thể nhận biết bản thân và người thân có đang gặp phải vấn đề này không.
Các dấu hiệu nhận biết được chia thành bốn nhóm chính:
Nhóm cảm xúc
- Buồn bã dai dẳng, cảm giác trống rỗng, hoặc mất khả năng cảm nhận niềm vui.
- Cảm thấy vô vọng, tuyệt vọng, dễ bị kích thích hoặc dễ khóc.
Nhóm nhận thức
- Tự đánh giá bản thân rất tiêu cực: “Tôi vô dụng”, “Tôi là gánh nặng”,…
- Tập trung kém, khó đưa ra quyết định, hay rơi vào suy nghĩ tiêu cực lặp lại.
Nhóm động cơ
- Giảm hoặc mất hứng thú với những hoạt động từng yêu thích.
- Thiếu động lực làm việc, học tập hay duy trì các mối quan hệ.
Nhóm sinh lý và hành vi
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Chán ăn hoặc ăn uống quá độ.
- Cảm thấy kiệt sức, cơ thể nặng nề.
- Các triệu chứng cơ thể không rõ nguyên nhân (đau nhức, rối loạn tiêu hóa…).

Lưu ý:
Các dấu hiệu trên không nhằm mục đích giúp bạn tự chẩn đoán bệnh. Trầm cảm là một rối loạn phức tạp, cần được đánh giá bởi nhà chuyên môn (nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần) được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm làm việc nhất định với vấn đề này.
Nếu bạn thấy bản thân hoặc người thân có nhiều biểu hiện giống trong danh sách này, hãy coi đó là dấu hiệu để cân nhắc tìm đến gặp các nhà chuyên môn về tâm lý – không phải để tự kết luận mình đang bị trầm cảm, mà để được hiểu rõ hơn và hỗ trợ đúng cách.
Tìm hiểu thêm: Cách nào nhận biết dấu hiệu trầm cảm?
Có điều trị trầm cảm được không?
Có. Trầm cảm hoàn toàn có thể được điều trị hiệu quả, phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Phương pháp phù hợp: trị liệu tâm lý, trị liệu thuốc, hoặc kết hợp.
- Thời điểm can thiệp: càng sớm càng tốt.
- Mức độ hợp tác trị liệu: trầm cảm không thể khỏi chỉ sau vài buổi, quá trình điều trị này đòi hỏi người mắc trầm cảm cần có sự cam kết, tin tưởng và kiên trì thực hiện theo phương án trị liệu được đưa ra.
Mặc dù trầm cảm có thể được điều trị hiệu quả, song, thực tế các nghiên cứu lại chỉ ra rằng tỷ lệ người mắc trầm cảm nhận được điều trị đầy đủ và đúng liệu trình vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng 9,1% tổng số người mắc căn bệnh này trên toàn cầu. Một phần lý do đến từ việc nhiều người vẫn cho rằng trầm cảm có thể tự vượt qua bằng ý chí và suy nghĩ tích cực. Trong khi thực tế, nó cần được nhận diện và can thiệp như bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác – bằng kiến thức chuyên môn và sự đồng hành chuyên nghiệp.
Tìm hiểu thêm: Hiệu quả điều trị trầm cảm như thế nào?
Cách chữa bệnh trầm cảm như thế nào?
Trầm cảm có thể được điều trị hiệu quả, nhưng không có một phương pháp chung cho tất cả mọi người. Việc lựa chọn cách chữa phù hợp phụ thuộc vào việc xác định các nguyên nhân cụ thể đã được giới thiệu ở trên.
Trị liệu tâm lý – can thiệp vào gốc rễ vấn đề
- Đây là phương pháp điều trị trầm cảm được sử dụng bởi các nhà tâm lý học.
- Trị liệu tâm lý được diễn ra trong một không gian an toàn, riêng tư, nơi thân chủ có thể chia sẻ mọi khó khăn của mình mà không lo sợ bị đánh giá hay phán xét.
- Nhà tâm lý học sử dụng các kỹ năng chuyên môn để phân tích vấn đề và giúp thân chủ nhận diện các suy nghĩ tiêu cực cũng như niềm tin kém thích ứng. Từ đó, thân chủ thay đổi cách nhìn nhận tiêu cực về bản thân, thế giới và tương lai.
- Thân chủ được hỗ trợ giải tỏa cảm xúc bị dồn nén, học cách nhận diện và điều hòa cảm xúc của chính mình.
- Trị liệu tâm lý hướng dẫn thân chủ tích lũy và xây dựng nguồn lực tâm lý mạnh mẽ, từ đó có chỗ dựa ứng phó lại với những căng thẳng khó khăn, lấy lại các giá trị cá nhân và thúc đẩy các động lực trong cuộc sống.

Thuốc chống trầm cảm – điều chỉnh yếu tố sinh học
- Đây là phương pháp điều trị trầm cảm được sử dụng bởi các bác sĩ tâm thần.
- Một số chất dẫn truyền thần kinh như serotonin, norepinephrine được phát hiện thường bị suy giảm ở người trầm cảm. Thuốc chống trầm cảm có nhiệm vụ giúp khôi phục sự cân bằng các chất này trong não bộ, từ đó cải thiện khí sắc, giấc ngủ và mức năng lượng.
- Phương pháp sử dụng thuốc cũng hỗ trợ giảm các triệu chứng sinh lý như rối loạn giấc ngủ, lo âu, chán ăn.
- Tuy nhiên, giống như những loại thuốc khác, thuốc chống trầm cảm cũng có một số những tác dụng phụ không mong muốn, cần được chỉ định và theo dõi chặt chẽ bởi các bác sĩ tâm thần.
Điều trị kết hợp – hỗ trợ toàn diện
- Kết hợp giữa thuốc và trị liệu tâm lý thường hiệu quả hơn so với chỉ dùng một phương pháp duy nhất.
- Thuốc giúp người bệnh ổn định nhanh về mặt sinh lý, từ đó tạo nền tảng thuận lợi để họ có đủ sự tập trung, ổn định cảm xúc và sẵn sàng bước vào quá trình trị liệu tâm lý một cách hiệu quả.
- Trị liệu tâm lý giúp phòng ngừa tái phát, điều chỉnh gốc rễ nhận thức và cảm xúc của người mắc trầm cảm.
- Sự kết hợp này phù hợp với tình trạng bệnh ở mức độ nặng, kéo dài hoặc có yếu tố tái phát.
Tìm hiểu thêm: Cách chữa bệnh trầm cảm nào hiệu quả nhất?
Khám trầm cảm ở đâu?
Hiện nay, khi nghi ngờ mình mắc trầm cảm, bạn có thể tìm đến hai hình thức hỗ trợ chính, tương ứng với hai cách tiếp cận chuyên môn:
- Trung tâm hoặc văn phòng trị liệu tâm lý
Tại đây, bạn sẽ được đánh giá bởi các nhà tâm lý học được đào tạo bài bản về tham vấn và trị liệu tâm lý. Quá trình đánh giá thường diễn ra từ 3 đến 5 buổi, tùy mức độ vấn đề. Việc đánh giá này không chỉ nhằm nhận diện các triệu chứng, mà còn giúp nhà tâm lý học hiểu sâu nguyên nhân gốc rễ và xác định cách can thiệp phù hợp. Sự cẩn trọng trong đánh giá là rất quan trọng – bởi nhận định bệnh sai có thể dẫn đến điều trị sai hướng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và thời điểm điều trị tối ưu.

- Bệnh viện hoặc phòng khám có chuyên khoa tâm thần Đây là nơi bạn sẽ được khám và chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Quá trình chẩn đoán tại đây thường diễn ra nhanh hơn – trong khoảng 15 đến 30 phút – tập trung chủ yếu vào việc xác định các triệu chứng lâm sàng để đưa ra quyết định về việc dùng thuốc. Các bác sĩ tâm thần tập trung vào việc giảm nhẹ các triệu chứng của người trầm cảm trong khoảng thời gian sớm nhất.
Như vậy:
- Nếu bạn đang có nhiều triệu chứng rõ rệt và cần can thiệp nhanh để giảm nhẹ khó chịu, việc đến khám với bác sĩ tâm thần là lựa chọn phù hợp.
- Nếu bạn mong muốn được đánh giá kỹ lưỡng, tìm hiểu sâu về nguyên nhân và điều chỉnh tận gốc vấn đề, bạn nên cân nhắc tìm đến các nhà tâm lý học tại các trung tâm hoặc văn phòng trị liệu tâm lý.
Trên đây là những thông tin cơ bản giúp bạn hiểu rõ hơn về trầm cảm. Khi được nhận diện sớm và can thiệp đúng cách, trầm cảm hoàn toàn có thể được điều trị hiệu quả, mang lại cho người mắc cơ hội phục hồi nhanh và bền vững.
Bạn có thể đặt lịch với các nhà tham vấn và trị liệu tâm lý nhiều kinh nghiệm của Văn phòng tâm lý Miền Hải Đăng TẠI ĐÂY.
Hoặc bạn còn bất kỳ thắc mắc, băn khoăn nào cần giải đáp, đừng ngần ngại nhắn tin cho Miền Hải Đăng qua zalo hoặc messenger nhé!
CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ TRẦM CẢM
Trầm cảm là rối loạn khí sắc đặc trưng bởi cảm giác buồn bã, mất hứng thú, giảm năng lượng, kéo dài ít nhất 2 tuần và ảnh hưởng đến chức năng nghề nghiệp, xã hội hoặc cá nhân. Khác với buồn đau thường gặp, trầm cảm không tự hết theo thời gian và gây suy giảm đáng kể chất lượng sống.
Trầm cảm không có một nguyên nhân duy nhất. Nó hình thành từ sự kết hợp giữa các yếu tố sinh học (não bộ, di truyền), tâm lý (suy nghĩ tiêu cực), và môi trường (biến cố, căng thẳng kéo dài).
Dấu hiệu thường gặp gồm: buồn dai dẳng, mất hứng thú, khó ngủ, mệt mỏi, tự trách bản thân, cảm thấy vô dụng và cuộc sống vô nghĩa. Nếu bạn thấy mình có nhiều dấu hiệu kéo dài trên 2 tuần, nên tìm gặp nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần để được đánh giá.
Có. Trầm cảm hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm và tiếp cận đúng phương pháp. Điều trị sớm giúp rút ngắn thời gian hồi phục và phòng ngừa tái phát.
Có hai phương pháp chính:
- Trị liệu tâm lý: giúp điều chỉnh suy nghĩ, cảm xúc, xây dựng kỹ năng ứng phó.
- Thuốc chống trầm cảm: điều chỉnh các chất trong não, hỗ trợ ổn định sinh lý.
Nhiều trường hợp cần kết hợp cả hai để đạt hiệu quả toàn diện.
Bạn có thể tìm đến:
- Trung tâm trị liệu tâm lý: để được đánh giá chuyên sâu và trị liệu lâu dài với nhà tâm lý học.
- Bệnh viện có chuyên khoa tâm thần: nếu cần chẩn đoán y khoa và điều trị bằng thuốc.
Không. Việc dùng thuốc phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ và đánh giá của bác sĩ tâm thần. Trầm cảm nhẹ thường ưu tiên trị liệu tâm lý với các nhà tâm lý học trước.
Có thể. Nếu điều trị chưa đủ thời gian hoặc không duy trì hỗ trợ lâu dài, trầm cảm dễ quay lại – đặc biệt khi gặp lại các yếu tố kích hoạt.