Bạn có bao giờ thấy mình cư xử khác hẳn trong các vai trò khác nhau – như một người khác khi ở nhà, khi đi làm, khi yêu, hay khi đứng trước đám đông? Theo Carl Jung – nhà tâm thần học người Thụy Sĩ , điều đó không hề bất thường. Ông tin rằng nguyên mẫu là những mô hình tâm lý có sẵn , tồn tại trong vô thức của con người. Chúng là các hình ảnh, hành vi hoặc vai trò phổ quát mà con người dễ dàng nhận diện, bởi chúng đã được “lập trình sẵn” qua hàng ngàn năm tiến hóa – thường gọi là các phong cách của Carl Jung.
Mỗi người trong chúng ta đều sống cùng những nguyên mẫu vô thức, là cách tâm lý bẩm sinh ảnh hưởng đến cách ta nhìn nhận bản thân và thế giới. Trong bài viết này, bạn sẽ được khám phá 4 phong cách của Carl Jung – là nền tảng theo học thuyết của ông – từ chiếc Mặt Nạ ta đeo mỗi ngày, phần Bóng Tối bị giấu kín, đến hai nửa giới tính nội tâm và hành trình đi tìm sự vẹn toàn trong Đại Ngã. Một hành trình nhận diện bản thân có thể bắt đầu từ chính những nguyên mẫu vô hình mà bạn chưa từng gọi tên.
Jung cho rằng tâm trí con người gồm ba phần: bản ngã (ý thức hiện tại), vô thức cá nhân (những ký ức và trải nghiệm bị lãng quên hoặc dồn nén), và đặc biệt là vô thức tập thể – nơi lưu giữ những biểu tượng, trải nghiệm và khuôn mẫu hành vi được di truyền từ tổ tiên. Chính từ vô thức tập thể này, các nguyên mẫu ra đời như những “di sản tâm lý” có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách ta suy nghĩ, cảm nhận và hành xử.
Phong cách của Carl Jung/ nguyên mẫu hình thành như thế nào?
Carl Jung cho rằng nguyên mẫu ( hay các phong cách của Carl Jung) không được học mà đã tồn tại sẵn trong vô thức tập thể – một tầng sâu trong tâm trí mà mọi người đều chia sẻ, bất kể văn hóa hay nguồn gốc. Nguyên mẫu giống như “hình ảnh sơ khai” được truyền lại qua nhiều thế hệ, giúp con người hiểu và sắp xếp thế giới xung quanh theo những khuôn mẫu có sẵn.
Trong tác phẩm The Structure of the Psyche, Jung nhận định rằng những khái niệm quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại – như tôn giáo, đạo đức, triết học – đều bắt nguồn từ nguyên mẫu. Chúng không đơn thuần là sản phẩm của tư duy cá nhân, mà là sự biến hóa hiện đại của những biểu tượng sâu xa đã tồn tại từ lâu trong tâm trí tập thể.
Jung cũng phản đối quan điểm cho rằng tâm trí con người lúc mới sinh là “tờ giấy trắng” (tabula rasa). Thay vào đó, ông tin rằng chúng ta sinh ra đã mang theo những yếu tố tâm lý di truyền, được gói gọn trong nguyên mẫu. Những mô hình cổ xưa này – dù mang màu sắc thần thoại – chính là nền tảng để hình thành bản dạng, động lực và hệ giá trị của mỗi người.
Mặc dù chỉ nhấn mạnh vào 4 phong cách của Carl Jung, ông khẳng định rằng số lượng nguyên mẫu trong vô thức tập thể là vô hạn. Cách chúng bộc lộ ở mỗi người còn chịu ảnh hưởng bởi văn hóa, hoàn cảnh sống và sự phát triển cá nhân.

Phong cách của Carl Jung số 1: Mặt Nạ (The Persona) – Gương mặt xã hội bạn thể hiện
Từ “persona” xuất phát từ tiếng Latin có nghĩa là “cái mặt nạ”. Tuy nhiên, đây đương nhiên không phải mặt nạ thông thường. Trong các phong cách của Carl Jung, Mặt nạ đại diện cho phần tính cách mà bạn muốn người khác nhìn thấy – hình ảnh bạn xây dựng để phù hợp với kỳ vọng của xã hội.
Jung cho rằng sống quá lâu với chiếc mặt nạ có thể khiến con người mất kết nối với bản chất thật của mình. Đôi khi, ta trở nên xa lạ với chính nội tâm vì đã quen “đóng vai”.
✅ Câu hỏi gợi mở: Bạn đang đeo chiếc mặt nạ nào để tồn tại trong môi trường xã hội hiện tại?
Phong cách của Carl Jung số 2: Bóng Tối (The Shadow) – Phần bản năng bạn không muốn đối diện
Trong 4 phong cách của Carl Jung, Bóng Tối là nguyên mẫu đại diện cho những mặt khuất bên trong con người – những ham muốn bị chối bỏ, những suy nghĩ bản năng, những tổn thương, mặc cảm hay hành vi trái với chuẩn mực đạo đức mà ta không muốn đối diện.
Bóng Tối không phải điều ác tuyệt đối, mà là phần “bị che giấu” của cái tôi, hình thành khi ta buộc phải thích nghi với xã hội – nơi chỉ chấp nhận một số kiểu hành xử “được cho là đúng”. Từ đó, những phần tính cách không phù hợp với chuẩn mực bị đẩy xuống vô thức. Bóng Tối tượng trưng cho những khía cạnh mà bạn không muốn chấp nhận: tức giận, ích kỷ, ghen tuông, định kiến… Nó thường bị đè nén xuống tầng vô thức vì xã hội – hoặc chính bạn – xem đó là điều “xấu”.
Jung nhấn mạnh rằng phát triển bản thân không phải là phủ nhận Bóng Tối, mà là nhận diện và tích hợp nó một cách tỉnh táo.
📌 Thực hành: Viết nhật ký để khám phá những phản ứng tiêu cực trong bạn – chúng có thể tiết lộ hình bóng của nguyên mẫu Bóng Tối.
Phong cách của Carl Jung số 3: Tính Nam và Tính Nữ (Anima / Animus) – Nửa kia trong nội tâm bạn
Trong học thuyết của Carl Jung, Tính nữ (Anima) là yếu tố nữ tính ẩn sâu trong tâm hồn người đàn ông, trong khi Tính nam (Animus) là phần nam tính tồn tại trong nội tâm người phụ nữ. Đây không phải là những biểu hiện giới tính bên ngoài, mà là bản chất sâu xa, mang tính bổ sung và đối lập, giúp ta kết nối với phần vô thức tập thể bên trong mình.
Jung cho rằng xã hội và sinh lý học chỉ là một phần tạo nên bản dạng giới, còn những nguyên mẫu Anima/Animus mới thực sự góp phần định hình cách ta cảm nhận, yêu thương, sáng tạo và giao tiếp nội tâm.
Phần Tính nữ trong đàn ông thường đại diện cho trực giác, cảm xúc, sự nhạy cảm và khả năng thấu cảm. Ngược lại, Tính nam trong phụ nữ gắn liền với lý trí, lập luận, sức mạnh ý chí và định hướng hành động. Những yếu tố này được hình thành từ cả vô thức tập thể (những hình mẫu truyền đời về đàn ông – phụ nữ) lẫn trải nghiệm cá nhân với người thân giới đối lập như mẹ, cha, bạn đời hoặc anh chị em.
Tuy nhiên, Jung cũng chỉ ra rằng nhiều nền văn hóa đã vô tình kìm hãm sự phát triển toàn diện khi ép buộc đàn ông và phụ nữ tuân theo những vai trò giới truyền thống một cách cứng nhắc. Việc đàn ông không được thể hiện cảm xúc, hoặc phụ nữ không được sống lý trí – theo ông – chính là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng tâm lý.
Khi một người có thể nhận diện, tiếp xúc và hòa hợp với phần Tính nữ – Tính nam bên trong mình, họ đạt được trạng thái cân bằng gọi là Syzygy – hay còn được biết đến với tên gọi “cặp đôi linh thiêng” bên trong tâm hồn. Trạng thái này biểu trưng cho sự hợp nhất toàn vẹn và trưởng thành tâm lý thực sự.
👉 Tự hỏi: Bạn có cho phép bản thân thể hiện trọn vẹn mọi mặt – cả dịu dàng lẫn mạnh mẽ, cả cảm xúc lẫn lý trí?
Phong cách của Carl Jung số 4: Đại Ngã (The Self) – Sự toàn vẹn của chính bạn
Trong các phong cách của Carl Jung, Đại Ngã là một nguyên mẫu trung tâm trong hệ thống phân tâm học của ông, đại diện cho sự hợp nhất giữa ý thức và vô thức trong mỗi con người. Để tránh nhầm lẫn với khái niệm “Bản ngã” (Ego) trong phân tâm học của Freud, nhiều nhà nghiên cứu gọi “The Self” của Jung là “Đại Ngã”.
Theo Jung, Đại Ngã không chỉ là một phần trong cấu trúc tâm trí – nó chính là trung tâm thực sự của toàn bộ tính cách, nơi quy tụ mọi mặt khác biệt, thậm chí đối lập, của con người. Trạng thái Đại Ngã chỉ có thể đạt được thông qua một quá trình dài gọi là cá thể hóa (individuation) – quá trình mỗi người đối diện, hòa giải và thống nhất các phần mâu thuẫn bên trong mình.
Jung thường minh họa Đại Ngã bằng những biểu tượng hình học như vòng tròn, hình vuông hay đặc biệt là mandala – biểu tượng truyền thống tượng trưng cho sự trọn vẹn trong nhiều nền văn hóa cổ.

Trong cấu trúc tính cách, Bản ngã (Ego) chỉ là trung tâm của ý thức – một điểm nhỏ giữa vô vàn tầng lớp tâm lý phức tạp. Còn Đại Ngã là tổng thể rộng lớn, nơi chứa đựng cả bản ngã, vô thức cá nhân lẫn vô thức tập thể. Bạn có thể tưởng tượng điều này như một vòng tròn lớn (Đại Ngã) với một chấm nhỏ ở giữa (Bản ngã).
Đối với Jung, mục tiêu sâu xa nhất của hành trình phát triển cá nhân không phải là trở thành “người tốt hơn” theo tiêu chuẩn xã hội, mà là sống thật với toàn bộ con người bên trong mình – đạt được cảm giác thống nhất, thông suốt và trọn vẹn. Trạng thái này tương đồng với khái niệm “tự thực hiện bản thân” trong mô hình nhu cầu của Maslow – tầng cao nhất trong quá trình phát triển con người.
✨ Thành thật với bản thân là bước đầu để chạm đến phong cách này.
Các phong cách của Carl Jung mở rộng
Các phong cách của Carl Jung/ nguyên mẫu có số lượng không cố định. Chúng có thể chồng lấn, biến đổi hoặc kết hợp với nhau tùy vào bối cảnh văn hóa, trải nghiệm cá nhân và tầng vô thức của mỗi người. Bên cạnh bốn nguyên mẫu nền tảng, ông còn mô tả nhiều hình tượng quen thuộc trong tâm lý tập thể của nhân loại. Những nguyên mẫu khác trong lý thuyết của Jung (Other Archetypes) nổi bật bao gồm:
- Người Cha: biểu tượng của quyền lực, kỷ luật và sự dẫn dắt
Authority figure; stern; powerful. - Người Mẹ: hình ảnh nuôi dưỡng, bảo bọc và đầy tính chăm sóc
Nurturing; comforting. - Đứa Trẻ: khao khát sự ngây thơ, bắt đầu mới và sự cứu rỗi
Longing for innocence; rebirth; salvation. - Ông Lão Thông Thái: đại diện cho tri thức, sự từng trải và chỉ dẫn
Guidance; knowledge; wisdom. - Anh Hùng: người dũng cảm, chiến đấu cho lý tưởng, bảo vệ cộng đồng
Champion; defender; rescuer. - Trinh Nữ: hình ảnh của sự thuần khiết, mong muốn và sự khởi đầu
Innocence; desire; purity. - Kẻ Lừa Đảo (Trickster): đại diện cho sự phá vỡ quy tắc, trí xảo và hỗn loạn
Deceiver; liar; trouble-maker.
Những nguyên mẫu này thường xuyên xuất hiện trong truyện cổ tích, thần thoại, văn học và cả phim ảnh hiện đại, phản ánh những động lực tâm lý sâu xa tồn tại xuyên thời gian.
Kết luận
Carl Jung tin rằng mỗi người đều mang trong mình các nguyên mẫu vô thức – những mô hình tâm lý bẩm sinh ảnh hưởng đến cách ta sống, suy nghĩ và cảm nhận. Bốn phong cách cốt lõi gồm: Mặt Nạ, Bóng Tối, Tính Nam – Tính Nữ và Đại Ngã.
Hiểu được các phong cách của Carl Jung giúp bạn:
- Nhận ra khi nào mình đang sống vì kỳ vọng người khác (Mặt Nạ)
- Dám đối diện với phần mình từng chối bỏ (Bóng Tối)
- Cân bằng giữa lý trí và cảm xúc thật sự (Tính Nam – Tính Nữ)
- Tìm lại cảm giác sống nguyên vẹn, thống nhất với chính mình (Đại Ngã)
Khi hiểu mình đang bị nguyên mẫu nào chi phối, bạn không chỉ sống tỉnh táo hơn mà còn gần hơn với con người thật của chính mình.