Chắc hẳn, khi bạn làm việc team work tại trường học hay nơi làm việc, bạn đã từng gặp những cá nhân rất ít đóng góp và chỉ thích dựa vào người khác trong nhóm. Sự bất công này đem lại không ít khó chịu, vì những người khác phải làm nhiều hơn để đảm bảo mục tiêu chung của nhóm. Vậy bạn có biết đây là hiện tượng gì và nguyên nhân, cách khắc phục nó ra sao chưa?
Về bản chất, đây là hiện tượng lười biếng xã hội (social Loafing) – xu hướng các cá nhân ít nỗ lực hơn khi thực hiện công việc chung với tư cách là thành viên của một nhóm.
4 Nguyên nhân gây ra hiện tượng này:
1. Sự phân tán trách nhiệm: Trách nhiệm phân tán cho các thành viên và cá nhân cảm thấy ít có trách nhiệm cá nhân hơn và cho rằng những nỗ lực cá nhân của mình ít ảnh hưởng đến kết quả chung khi ở trong nhóm. Như ông bà ta thường nói “ Cha chung không ai khóc”.
2. Quy mô nhóm lớn hoặc quá lớn: Nếu ở trong các nhóm nhỏ, cá nhân thường dễ thấy công sức của mình quan trọng hơn và vì vậy sẽ dễ đóng góp nhiều hơn. Nghiên cứu đã cho thấy, khi ở trong nhóm thì cá nhân dễ suy giảm ý thức về bản thân, và nhóm càng lớn điều này càng mạnh mẽ.
3. Sự kỳ vọng: khi ở trong một nhóm với những người không có mục tiêu làm việc rõ ràng, cá nhân có thể chểnh mảng theo họ. Mặt khác, khi ở trong một nhóm với những người rất giỏi giang, luôn nắm bắt tốt nỗ lực chung của cả nhóm thì khả năng cao cá nhân sẽ lùi bước và để cho những thành viên năng nổ này thực hiện mọi công việc.
4. Động lực hành động: Những cá nhân ít có động lực sẽ có khả năng lười biếng xã hội cao hơn khi họ ở trong một nhóm.
Một số cách khắc phục hiện tượng lười biếng xã hội trong nhóm:
Xây dựng các nhóm nhỏ từ 4-6 người, hạn chế nhóm đông.
Phân chia vai trò, trách nhiệm rõ ràng cụ thể cho từng thành viên, có đặt tên vị trí và định danh chức vụ từng cá nhân trong nhóm.
Quan trọng nhất, cần xây dựng một cơ chế đánh giá/ ghi nhận sự đóng góp của từng thành viên trong nhóm. Việc đánh giá này không thể chung chung, tránh các cá nhân vì sợ mất lòng nhau mà đánh giá đồng đều, nó cần phải có các hạng mục cụ thể để đánh giá thật chi tiết. Đối với nhóm có sự gắn kết bền chặt thì thậm chí cần phải sử dụng biện pháp các cá nhân đánh giá bằng phiếu kín, chỉ có nhà lãnh đạo có thể xem các đánh giá này. Như vậy, khi các cá nhân biết có cơ chế đánh giá rõ ràng thì những người ỷ lại sẽ biết trước bị nhận đánh giá kém từ người khác, nếu không muốn bị nhận đánh giá kém họ sẽ phải phấn đấu làm việc.
Nếu bạn là người lãnh đạo nhóm, lâu dài nên cố gắng tạo động lực cho các thành viên, xây dựng văn hóa nhóm để nâng cao ý thức của các cá nhân nhằm thúc đẩy động lực làm việc của mỗi người.
Miền Hải Đăng.