Thao túng tâm lý là gì?

Thao túng tâm lý

Thao túng tâm lý (Gaslighting) là một mánh khóe lợi dụng, xuất hiện trong các mối quan hệ mang tính lạm dụng. Nó là một dạng bạo hành tâm lý quỷ quyệt, đôi khi là ngấm ngầm khi kẻ bắt nạt hay kẻ lạm dụng khiến đối phương tự vấn chính những nhận định và thực tế họ cảm nhận được. Về cơ bản, nạn nhân bị thao túng tâm lý sẽ bắt đầu tự hỏi liệu mình có bị điên hay không.

Thao túng tâm lý chủ yếu xuất hiện trong các mối quan hệ yêu đương và hôn nhân, nhưng cũng không có gì quá lạ khi hiện tượng này xuất hiện trong các mối quan hệ mang tính kiểm soát hoặc có thể xuất hiện trong các thành viên trong gia đình. Những cá nhân “độc hại” sử dụng mánh khóe này để áp quyền lên người khác nhằm thao túng bạn bè, người thân trong gia đình và đôi khi là cả đồng nghiệp của mình.

Thao túng tâm lý vận hành ra sao?

Thao túng tâm lý là một thủ đoạn làm suy yếu toàn bộ nhận thức về thực tại của bạn. Khi ai đó thao túng tâm lý bạn, bạn thường phải tự vấn bản thân, nghi ngờ trí nhớ và những nhận thức của chính mình. Sau khi giao tiếp với người đang thao túng bạn, bạn sẽ bối rối và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với bản thân mình. Những thủ đoạn này làm bạn rối và khiến bạn tự nghi ngờ sự tỉnh táo minh mẫn của bản thân. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn cách thức người ta thao túng tâm lý nhau.

Nói dối.

Những người có hành vi thao túng tâm lý thường là những kẻ nói dối quen thói và mang hơi hướng bệnh lý tâm thần. Họ nói dối trắng trợn trước bạn và không bao giờ thoái lui hay thay đổi câu chuyện của mình, thậm chí ngay cả khi bạn gọi họ ra nói chuyện hoặc đưa ra bằng chứng cho thấy họ đang lừa dối. Nói dối là nền móng của hành vi lừa gạt ở họ. Thậm chí ngay cả khi bạn biết họ đang nói dối thì họ nói nghe vẫn rất thuyết phục. Cuối cùng, bạn bắt đầu nghi ngờ chính bản thân mình.

Nghi ngờ bạn. 

Những kẻ thao túng tâm lý lan truyền đồn đoán và tán dóc về bạn với người khác. Họ có thể giả vờ lo lắng cho bạn trong khi ngấm ngầm nói với mọi người rằng bạn bị điên hoặc tinh thần bất ổn. Không may là, thủ đoạn này có thể cực kỳ hiệu quả và nhiều người đã về phe với kẻ lạm dụng hoặc bắt nạt mà không hề biết được toàn bộ câu chuyện.

Ngoài ra, kẻ thao túng có thể lừa bạn và nói với bạn rằng người khác nghĩ bạn điên. Những người này có thể chẳng bao giờ nói tệ về bạn, nhưng chính kẻ thao túng sẽ tìm mọi cách để khiến bạn tin là những người kia có nói như vậy.

“Đánh trống lảng”. 

Khi bạn hỏi kẻ thao túng một câu hỏi hay gọi họ ra giải thích cho một điều gì đó họ nói hoặc làm, họ có thể chuyển chủ đề bằng cách hỏi lại một câu hỏi thay vì phản hồi lại chính vấn đề bạn hỏi. Họ sẽ trơ tráo nói dối về tình huống đó bằng cách nói những câu kiểu như: “Mày đang bịa chuyện. Điều đó chưa bao giờ xảy ra.”

Coi nhẹ suy nghĩ và cảm xúc của bạn. 

Tầm thường hóa cảm xúc giúp kẻ thao túng tâm lý có được sức mạnh kiểm soát bạn. Họ sẽ nói những lời như: “Bình tĩnh nào,” “Mày đang làm quá,” hay “Sao phải nhạy cảm như vậy?” Tất cả những câu nói này làm giảm nhẹ cảm xúc và suy nghĩ của bạn và gửi đi thông điệp: bạn là người sai.

Khi bạn đối phó với người không bao giờ công nhận những suy nghĩ, cảm xúc hay niềm tin trong bạn, thì bạn bắt đầu tự vấn chính những điều đó ở bản thân. Ngoài ra, bạn chẳng bao giờ cảm thấy mình có giá trị hay được thấu hiểu, điều này có thể cực kỳ khó xử lý.

Đổ lỗi ngược. 

Đổ lỗi ngược là một thủ đoạn thường gặp khác ở những kẻ thao túng tâm lý. Mỗi cuộc hội thoại của bạn với họ đều bằng một cách nào đó “quay xe” theo hướng bạn chính là kẻ đáng bị đổ lỗi vì những gì đã xảy ra. Thậm chí ngay cả khi bạn cố thảo luận về việc hành vi của họ khiến bạn cảm thấy như thế nào, thì họ vẫn có thể “xoay chuyển” cuộc hội thoại theo ý họ và cuối cùng lỗi lầm lại thuộc về bạn.

Nói cách khác, họ thao túng tình huống để rồi dần dần, sau cùng là tin rằng bạn chính là căn nguyên cho hành vi tội lỗi họ gây ra. Họ tuyên bố là giá mà bạn hành xử khác đi thì họ đã không làm ra những hành vi như vậy.

Chối bỏ những việc làm sai trái. 

Những kẻ lạm dụng và bắt nạt thường bị người ta biết đến với năng lực chối bỏ những điều sai trái đã làm. Họ làm vậy để tránh phải chịu trách nhiệm cho những lựa chọn sai lầm của bản thân. Nhưng nó cũng khiến nạn nhân bị thao túng trở nên bối rối và phiền lòng vì không ai công nhận nỗi đau họ phải chịu đựng. Sự chối bỏ này khiến cho nạn nhân khó tiếp tục sống cuộc sống bình thường hoặc chữa lành khỏi quá khứ bị bắt nạt hoặc lạm dụng.

Sử dụng những lời nói yêu thương làm vũ khí. 

Có lúc khi bị gọi ra để đối chất hoặc giải thích, một kẻ thao túng tâm lý sẽ sử dụng những lời lẽ yêu thương và tử tế để cố xoa dịu tình huống. Họ có thể nói những câu như “Em biết anh thương em đến thế nào mà. Anh sẽ không bao giờ cố ý làm em tổn thương.” Những lời này là cái bạn muốn nghe, nhưng lại không thật, đặc biệt là nếu kiểu hành vi này cứ lặp đi lặp lại.

Khi bạn phải đương đầu với ai đó sử dụng thủ đoạn thao túng tâm lý, hãy chú ý đến những gì họ làm, chứ không phải những gì họ nói. Liệu người này có thực sự yêu thương, hay họ chỉ đang vờ nói những lời tốt đẹp?

Bóp méo và tái chỉnh khung các cuộc hội thoại. 

Những kẻ thao túng tâm lý thường hay sử dụng thủ đoạn này khi bạn đang thảo luận về một thứ gì đó đã xảy ra trong quá khứ. Ví dụ, nếu bạn đời của bạn dí bạn vô tường và về sau bạn đang thảo luận lại chủ đề này thì đối phương có thể sẽ bóp méo câu chuyện để có lợi cho họ. Họ có thể sẽ nói, bạn vấp té và họ cố giữ bạn lại, và điều đó khiến bạn va vào tường.

Khi những câu chuyện và ký ức liên tục bị kể lại theo hướng có lợi cho kẻ thao túng thì bạn sẽ bắt đầu nghi ngờ trí nhớ của mình về những điều đã xảy ra. Sự bối rối hay nghi ngờ bản thân này chính xác là mục tiêu của họ.

15 dấu hiệu thao túng tâm lý. 

Trở thành đối tượng của những kẻ thao túng tâm lý gây ra trạng thái lo âu và trầm cảm. Nó cũng có liên đới tới các cơn hoảng loạn và suy nhược thần kinh. Vì lẽ đó, ta cần nhận ra khi nào mình đang bị thao túng. Hãy tự hỏi bản thân xem liệu có xuất hiện bất cứ điều nào dưới đây không.

– Bạn nghi ngờ thực tại và cảm xúc của bạn. Bạn cố thuyết phục bản thân rằng sự đối đãi mình nhận được không tệ đến thế hoặc rằng bản thân quá nhạy cảm.

– Bạn tự vấn những nhận định và nhận thức của bản thân. Bạn sợ phải nói ra hay thể hiện cảm xúc của mình. Bạn học được một điều rằng chia sẻ ý kiến thường sẽ khiến bạn kiểu gì cũng tệ hơn. Vậy nên cứ im đi thì hơn.

– Bạn cảm thấy dễ bị tổn thương và bất an. Bạn thường cảm thấy mình lúc nào cũng phải cẩn trọng, “nhìn trước ngó sau” khi ở cạnh bạn đời/gia đình/bạn bè. Bạn cũng cảm thấy như đang đứng trên bờ vực và thiếu đi lòng tự trọng.

– Bạn cảm thấy cô đơn và vô lực. Bạn bị thuyết phục rằng mọi người quanh bạn nghĩ bạn là lập dị, điên khùng, hoặc bất ổn, như đúng nhận định của bạn đời/gia đình/bạn bè dành cho bạn. Điều này khiến bạn cảm thấy mình bị mắc kẹt và cô lập.

– Bạn tự hỏi liệu mình có ngu hay bị điên không. Những lời nói của bạn đời/gia đinh/bạn bè khiến bạn cảm thấy mình sai, không xứng, hay bị điên. Đôi khi bạn còn thấy mình lặp đi lặp lại những lời này với bản thân.

– Bạn thất vọng về bản thân và chính con người bạn đã trở thành. Ví dụ, bạn cảm thấy như thể mình rất yếu đuối và thụ động và rằng bạn đã từng mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong quá khứ.

– Bạn cảm thấy bối rối. Hành vi của bạn đời/bạn bè/gia đình bạn khiến bạn cảm thấy bối rối – với những hành động xuất hiện như trong tiểu thuyết ngắn “Dr. Jekyll và Mr. Hyde”.

– Bạn lo là mình quá nhạy cảm. Bạn đời/bạn bè/gia đình coi nhẹ những hành vi hoặc lời nói gây tổn thương bằng những câu “Em chỉ đang đùa thôi mà” hay “Anh nhạy cảm quá rồi.”

– Bạn cảm thấy bất hạnh như sắp ập đến. Bạn cảm thấy điều gì đó kinh khủng sắp xảy đến khi bạn ở cạnh bạn đời/gia đình/bạn bè. Điều này có thể bao gồm cảm giác bị đe dọa và cảm giác bất an như đang đứng trên bờ vực mà không rõ lý do.

– Bạn dành nhiều thời gian để xin lỗi. Bạn cảm thấy cần phải lúc nào cũng xin lỗi cho những điều mình làm hoặc xin lỗi cho chính con người của mình.

– Bạn cảm thấy mình không xứng. Bạn cảm thấy như thể mình chẳng bao giờ “đủ tốt”. Bạn cố sống sao để đáp ứng được kỳ vọng và yêu cầu của người khác, thậm chí ngay cả khi những điều này vô cùng phi lý.

– Bạn tự nghi ngờ bản thân. Bạn thường xuyên tự hỏi không biết mình có nhớ chính xác những chi tiết trong câu chuyện đã diễn ra không. Bạn có thể còn ngừng cố gắng chia sẻ những gì bạn nhớ được vì sợ mình nhớ sai.

– Bạn cho rằng những người khác thất vọng về bạn. Bạn lúc nào cũng xin lỗi vì những gì bạn làm hoặc bạn là ai, cho rằng mọi người thất vọng về bạn hoặc rằng bằng cách nào đó bạn đã gây ra lỗi lầm.

– Bạn tự hỏi mình có gì sai không. Bạn tự vấn liệu có điều gì sai cơ bản về bản thân không. Nói cách khác, bạn lo là mình thực sự sẽ bị điên, mất trí hoặc “tiêu rồi.”

– Bạn vất vả trong việc đưa ra quyết định vì không tin tưởng bản thân.Thay vào đó, bạn sẽ để bạn đời/gia đinh/bạn bè ra quyết định thay bạn, hoặc tránh luôn việc đưa ra quyết định.

Lược sử khái niệm.

Thuật ngữ “thao túng tâm lý” xuất hiện từ một vở kịch năm 1938 của Patrick Hamilton, được biết đến với tên gọi “Đường phố thiên thần” (Angel Street) ở Mỹ và sau này được xây dựng thành bộ phim “Đèn khí đốt” bởi Alfred Hitchcock. Trong phim, một người chồng hay thao túng người khác cố khiến vợ mình nghĩ rằng bà ta mất trí bằng cách tạo ra những thay đổi ngấm ngầm trong môi trường nơi bà sống, bao gồm việc làm mờ dần ngọn lửa trên đèn khí đốt. Ông ta không chỉ tác động vào môi trường và khiến bà vợ tin rằng mình mất trí, mà ông ta còn lạm dụng và kiểm soát bà, cắt đứt bà khỏi gia đình và bạn bè.

Hậu quả là, bà vợ liên tục nghi ngờ bản thân mình, nghi ngờ cảm xúc, nhận thức và ký ức của chính mình, Ngoài ra, bà còn cảm thấy mình bị loạn thần, nhạy cảm quá mức và không thể kiểm soát bản thân, đây cũng chính mục tiêu của thao túng tâm lý – là khiến đối tượng cảm thấy rối loạn và không chắc đâu là thật đâu là giả.

Vì bộ phim là mô tả chính xác thể hiện các hành động kiểm soát độc hại mà những kẻ thao túng tâm lý hay sử dụng, các nhà tâm lý học và tư vấn viên bắt đầu dán nhãn dạng hành vi bạo lực tinh thần này là “gaslighting”.

Kết luận. 

Nếu bạn phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào của hành vi thao túng tâm lý, bạn cần tìm kiếm hỗ trợ chuyên môn ngay lập tức. Nếu không được xử lý, thao túng tâm lý có thể bạn mất đi lòng tự trọng và phá hủy sức khỏe tinh thần của bạn. Bác sĩ có thể giới thiệu một tư vấn viên đủ năng lực để giúp bạn đối phó với những gì đang diễn ra.

Trong thời gian đó, hãy nhớ rằng bạn không có lỗi cho những gì mình đang phải trải qua. Kẻ thao túng tâm lý chọn lựa hành xử như vậy. Họ phải chịu trách nhiệm cho những gì họ làm. Bạn chẳng làm điều gì khiến họ lựa chọn như vậy và bạn không thể thay đổi những gì họ làm. Nhưng bằng các tư vấn, bạn có thể học cách đưa ra những lựa chọn lành mạnh và thiết lập ranh giới với những kẻ đang thao túng tâm lý.

Nguồn: Như Trang – Khám phá tâm lý học ( https://trangtamly.blog/ )