Thời gian gần đây, sự gia tăng về các rối loạn tâm lý ở nhiều người khiến xã hội bắt đầu quan tâm đến các vấn đề này. Tuy nhiên, khi mọi người mới chỉ tiếp xúc thoáng qua với các khái niệm, một số người đã vội vàng gắn nhãn các vấn đề, rối nhiễu cho người khác. Một trong số những khái niệm dễ bị nhầm lẫn và được mang ra gắn nhãn phổ biến đó là: Tự kỷ và Trầm cảm. Vậy, hai khái niệm này khác nhau như thế nào? Có dễ dàng để nhận biết chúng hay không? Cùng tìm hiểu những thông tin này trong phần dưới đây.
Tự kỷ (tên đầy đủ là Rối loạn phổ Tự kỷ) là các rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi sự tương tác và giao tiếp xã hội kém, xuất hiện các hành vi lặp đi lặp lại và rập khuôn, cùng với sự phát triển trí tuệ không đồng đều và khuyết tật trí tuệ ở một số trường hợp. Triệu chứng bắt đầu từ giai đoạn sớm của thời thơ ấu. Ở hầu hết trẻ em, nguyên nhân gây ra Tự kỷ còn chưa được tìm ra chính xác, tuy nhiên có một số nghiên cứu cho thấy vấn đề có thể liên quan đến di truyền; ở một số bệnh nhân, rối loạn có thể là do tình trạng sức khoẻ. Việc chẩn đoán phát hiện Tự kỷ sẽ dựa trên các quan sát lâm sàng và quá trình phát triển của trẻ.
Trầm cảm là rối loạn cảm xúc được đặc trưng bởi buồn trầm trọng hoặc dai dẳng đủ để ảnh hưởng vào hoạt động chức năng, sinh hoạt hàng ngày thường thể hiện thông qua việc giảm sự quan tâm hoặc thích thú với cuộc sống. Nguyên nhân có thể liên quan đến việc di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, chức năng của hóc môn thần kinh bị thay đổi và các yếu tố tâm lý xã hội. Việc chẩn đoán phát hiện Trầm cảm dựa trên quá trình phỏng vấn sâu và đánh giá tâm lý lâm sàng.
Ở đây, chúng ta có thể phân biệt Trầm cảm và Tự kỷ dựa trên một số các dấu hiệu có thể quan sát được.
- Trầm cảm gây ra các rối loạn nhận thức, tâm thần vận động và các dạng rối loạn chức năng khác (ví dụ như tập trung kém, mệt mỏi, mất ham muốn tình dục, mất hứng thú hoặc thích thú trong hầu hết các hoạt động trước đây, rối loạn giấc ngủ) cũng như tâm trạng chán nản, ở trạng thái nghiêm trọng hơn có thể nảy sinh các ý định tự tử.
- Tự kỷ khiến trẻ thiếu tương tác và giao tiếp xã hội, tự bó hẹp bản thân, các sở thích và/hoặc hoạt động bị hạn chế, lặp đi lặp lại. Những hành vi đặc trưng có thể kể đến như: không bắt đầu hoặc không đáp ứng với các tương tác xã hội hoặc cuộc trò chuyện, không chia sẻ cảm xúc; khó diễn đạt ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ và sự biểu đạt, giảm biểu cảm trên khuôn mặt và cử chỉ và/hoặc giao tiếp bằng mắt; khó kết bạn; khó điều chỉnh hành vi trong các tình huống khác nhau; các hành động hoặc lời nói rập khuôn, lặp đi lặp lại.
Phía trên chỉ là một số các dấu hiệu đặc trưng để chúng ta nhìn nhận về Trầm cảm và Tự kỷ. Trên thực tế, các dấu hiệu có thể thể hiện theo các hướng phức tạp khiến khó nhận biết. Do đó, trong các trường hợp nghi ngờ, thay vì vội vàng kết luận ai đó là người gặp phải Trầm cảm hoặc Tự kỷ, chúng ta cần nhờ đến những người có chuyên môn để đánh giá. Tại Việt Nam hiện nay, với những người nghi đang gặp các vấn đề liên quan đến Trầm cảm có thể tìm đến các nhà tham vấn sức khỏe tâm lý, nhà tâm lý học lâm sàng hoặc các bác sĩ tâm thần để nhận được đánh giá cụ thể và chi tiết. Đối với trẻ nghi gặp phải các vấn đề liên quan đến Tự kỷ, gia đình có thể đưa trẻ đến các trung tâm giáo dục đặc biệt hoặc tìm gặp các chuyên gia đánh giá phát triển để được đánh giá chính xác và có các định hướng can thiệp hiệu quả.
Việc một người bị đánh giá, chẩn đoán sai về các vấn đề đang gặp có thể gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề cho người đó. Với các thông tin trên, Miền Hải Đăng rất hy vọng người đọc có thể cẩn trọng hơn trong quá trình đánh giá vấn đề, tránh gán nhãn khi chưa có sự đánh giá từ những người có chuyên môn.
Miền Hải Đăng.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuyên-gia/khoa-nhi/rối-loạn-học-tập-và-phát-triển/tự-kỷ
- https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuyên-gia/rối-loạn-tâm-thần/rối-loạn-khí-sắc/các-rối-loạn-trầm-cảm