Tự hại (Self-harm) là gì?

Mặc dù ít được trao đổi công khai, nhưng thôi thúc tự làm hại mình không phải là điều gì quá hiếm gặp, đặc biệt là ở nhóm trẻ vị thành niên và thanh niên. Nhiều người phải nhờ đến điều trị mới có thể vượt qua tình trạng này.

Một người dù là mới bắt đầu tự làm hại bản thân hay đã làm thương tổn bản thân trong thời gian dài vẫn có cơ hội cải thiện sức khỏe và giảm thiểu những hành vi này. Trao đổi với bác sĩ hoặc một người bạn tin tưởng hay thành viên trong gia đình là bước đầu tiên giúp bạn hiểu được hành vi của bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ giảm bệnh.

Tự hại là gì? 

Tự hại hay tự làm tổn thương mình có nghĩa là cố tình làm đau bản thân. Một phương thức phổ biến là dùng vật sắc nhọn cứa vào cơ thể. Nhưng nói chung, bất cứ khi nào một người làm tổn thương chính mình một cách có chủ đích đều được phân loại vào hành vi tự hại. Một số người cảm thấy luôn bị thôi thúc làm bỏng cơ thể, giựt kéo tóc hay cạy gảy vết thương để vết thương không lành. Một số người còn gây ra thương tổn cực kỳ nghiêm trọng cho cơ thể như gãy xương.

Làm tổn thương bản thân – hay nghĩ về việc làm tổn thương bản thân – là một dấu hiệu thể hiện sự đau đớn và bất ổn trong cảm xúc của chủ thể. Những cảm xúc khó chịu này có thể lớn dần và nghiêm trọng dần nếu một người tiếp tục sử dụng hành vi tự hại để đối phó với những vấn đề trong cuộc sống. Học những phương cách khác giúp dung hòa cảm giác đau đớn về tinh thần sẽ giúp bạn trở thành một con người mạnh mẽ, về lâu dài.

Tự hại cũng gây cảm xúc tủi hổ. Những vết sẹo gây ra do hành vi cắt, cứa hay đốt da có thể lưu lại vĩnh viễn. Uống rượu bia hay sử dụng ma túy trong lúc làm tổn thương bản thân làm gia tăng nguy cơ bị các vết thương nghiêm trọng hơn so với dự tính. Và bản thân việc này làm tốn thời gian và năng lượng khiến bạn không thể tập trung vào những thứ khác bạn vốn phải coi trọng. Cúp học để băng bó vết thương hay né tránh những tình huống tương tác xã hội để người khác không nhìn thấy những vết sẹo là một dấu hiệu cho thấy thói quen này đã ảnh hưởng tiêu cực lên công việc và các mối quan hệ của bạn.

Tại sao con người ta lại tự làm hại mình? 

Tự hại không phải là một bệnh lý tâm thần, mà là một hành vi thể hiện sự cần thiết phải có một kỹ năng đối phó với khó khăn tốt hơn. Một vài bệnh lý có liên đới với hành vi này, bao gồm rối loạn nhân cách ranh giới, trầm cảm, rối loạn ăn uống, lo âu hay rối loạn căng thẳng sau sang chấn.

Tự hại thường xuất hiện nhiều nhất trong thời thanh thiếu niên và đầu thời kỳ trưởng thành, mặc dù vẫn có trường hợp xuất hiện cả trong những năm tháng sau này. Những người có nguy cơ nhất là những người đã từng bị sang chấn, bị bỏ bê hoặc lạm dụng. Ví dụ, nếu một người lớn lên trong một gia đình bất ổn, tự hại có thể trở thành một cơ chế đối phó của họ. Nếu một người uống rượu bia vô độ hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp thì họ sẽ có nguy cơ tự làm tổn thương bản thân cao hơn, vì rượu bia và ma túy làm giảm khả năng kiểm soát bản thân.

Thôi thúc làm hại chính mình có thể bắt đầu từ sự dâng trào của một cơn giận dữ, bực bội hoặc đau đớn. Khi một người không biết chắc mình phải làm thế nào để xử lý những cảm xúc, hoặc học cách che giấu cảm xúc này từ ngày nhỏ thì tự hại có thể là một cách giúp họ giải tỏa. Đôi khi, làm đau bản thân kích thích giải phóng endorphine, hay còn gọi là hormone giảm đau trong cơ thể, từ đó giúp cải thiện tâm trạng. Hoặc nếu một người không có nhiều cảm xúc, họ có thể gây đau cho bản thân để cảm thấy một điều gì đó “thật” hơn, thay thế cho những chai lì cảm xúc kia.

Một khi chủ thể đã làm đau bản thân, họ có thể trải nghiệm cảm giác tủi hổ và tội lỗi. Nếu cảm giác tủi hổ lại đưa đến những cảm xúc cực kỳ tiêu cực khác, thì người đó lại tiếp tục làm tổn thương bản thân. Hành vi này vì vậy mà cũng biến thành một vòng tuần hoàn nguy hiểm và một thói quen lâu dài. Một số người thậm chí còn tự tạo ra một nghi thức riêng cho hành động này.

Tự hại và cố gắng tự sát không phải là một. Tuy nhiên, tự hại là một triệu chứng thể hiện một sự khó chịu về cảm xúc cần phải được cân nhắc một cách nghiêm túc. Nếu một ai đó tự làm đau bản thân, nguy cơ tìm đến tự sát của họ tăng cao. Chúng ta cần tìm kiếm hỗ trợ điều trị cho những cảm xúc tiêu cực ẩn sau các hành vi này.

Điều trị và Đối phó. 

Có nhiều hình thức điều trị hiệu quả cho hành vi tự hại giúp chủ thể cảm thấy kiểm soát được bản thân trở lại. Tâm lý trị liệu là cấu phần quan trọng trong bất kỳ lộ trình điều trị nào. Người tự hại có thể cần phải quản lý tốt hơn cảm xúc của mình, vậy họ cần học những cơ chế đối phó mới.

Bước đầu tiên trong nỗ lực tìm kiếm hỗ trợ là trao đổi với một người khác mà bạn tin tưởng, một người bạn hoặc một chuyên gia y tế am hiểu về lĩnh vực này, tốt nhất là một bác sĩ tâm thần. Một bác sĩ tâm thần sẽ hỏi bạn những câu hỏi về sức khỏe, lịch sử đời sống và bất kỳ hành vi gây hại nào trong quá khứ và hiện tại. Cuộc trao đổi này, còn được gọi là khám chẩn đoán, có thể kéo dài ít nhất một tiếng. Bác sĩ không thể xét nghiệm máu hoặc khám thể chất để chẩn đoán các bệnh lý tâm thần, nên họ sẽ dựa vào những thông tin cụ thể thu nhận từ khách hàng. Khách hàng cung cấp thông tin càng nhiều thì kế hoạch điều trị sẽ càng có hiệu quả.

Tùy thuộc vào những bệnh lý ẩn tàng, một bác sĩ có thể kê thuốc để giúp người bệnh xử lý những cảm xúc khó chịu bên trong họ. Chẳng hạn với những người bị trầm cảm, thuốc chống trầm cảm có thể giúp làm giảm những ham muốn hay thôi thúc có hại.

Bác sĩ cũng có thể đề xuất liệu pháp giúp người bệnh học những hành vi mới, nếu tự hại đã trở thành thói quen của họ. Một vài dạng trị liệu khác nhau có thể khá hữu ích, tùy thuộc vào chẩn đoán từ bác sĩ.

– Trị liệu tâm động học tập trung vào tìm hiểu những trải nghiệm và cảm xúc trong quá khứ. 

– Liệu pháp nhận thức – hành vi tập trung vào việc nhận ra những dạng suy nghĩ tiêu cực và tăng cường các kỹ năng đối phó. 

– Trị liệu hành vi biện chứng có thể giúp một người học những phương thức đối phó tích cực hơn. 

Nếu triệu chứng quá nặng hoặc quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề xuất bạn điều trị nội trú trong thời gian ngắn ở bệnh viện. Bệnh viện sẽ là một môi trường an toàn nơi bạn có thể tập trung năng lượng vào việc điều trị.

Làm gì khi ai đó tự hại bản thân?

Có lẽ bạn đã từng thấy một người bạn hay một thành viên trong gia đình thường xuyên có vết bầm hay quấn bắng gạc. Nếu ai đó mặc áo tay dài và quần dài, thậm chí trong thời tiết nóng nực, thì có lẽ họ đang cố che giấu những vết thương hay vết sẹo trên người.

Luôn nhớ kỹ rằng hành vi này có thể là một cấu phần của một bệnh lý nghiêm trọng hơn và có thể có sự xuất hiện của cảm xúc buồn khổ. Các dấu hiệu này có thể là lời tuyên bố của chủ thể rằng mình đnag tuyệt vọng hoặc vô dụng, kiểm soát ham muốn kém hoặc gặp khó khăn trong việc hòa hợp với người khác.

Nếu bạn lo là một thành viên trong gia đình hay bạn của bạn có thể đang tự làm đau họ thì hãy hỏi thăm họ và sẵn lòng lắng nghe câu trả lời, dù cho nó có khiến bạn cảm thấy khó chịu. Đây có lẽ là một chủ để khó nắm bắt và thấu hiểu. Một trong những điều tuyệt nhất là nói với họ rằng mặc dù bạn không hoàn toàn hiểu hết nhưng bạn sẵn sàng giúp đỡ họ. Đừng gạt bỏ cảm xúc của họ hoặc cố biến nó thành trò đùa vui.

Nhẹ nhàng động viên họ đi điều trị bằng cách nói với họ rằng tự hại không phải hiếm gặp và bác sĩ cũng như các trị liệu viên có thể giúp họ. Nếu được, hỗ trợ họ tìm kiếm điều trị. Nhưng đừng xúc phạm và đừng cố gắng bắt người kia hứa ngừng làm hại bản thân, vì việc dừng hành vi này, đơn giản, không phải cứ có ý chí là đủ.

Nguồn: https://www.nami.org/learn-more/mental-health-conditions/related-conditions/self-harm