Tư vấn tâm lý, tham vấn tâm lý và trị liệu tâm lý đều hỗ trợ tinh thần – nhưng khác nhau về mục tiêu, mức độ can thiệp và hiệu quả. Bài viết này của Miền Hải Đăng sẽ giúp bạn phân biệt rõ từng hình thức để chọn đúng dịch vụ phù hợp với nhu cầu – từ những băn khoăn đơn giản đến vấn đề tâm lý sâu hơn. Việc hiểu đúng ngay từ đầu sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí và phục hồi hiệu quả hơn.
Tư vấn tâm lý là gì?
Khái niệm tư vấn tâm lý
Trong Giáo trình Tâm lý học tham vấn, GS.TS Tâm lý học Trần Thị Minh Đức (2009) đã chỉ rõ: Tư vấn là hành động hỗ trợ cá nhân hoặc tổ chức khi gặp khó khăn, bằng cách ĐƯA RA LỜI KHUYÊN, hướng dẫn, chia sẻ thông tin. Người làm tư vấn sử dụng cả kiến thức và kinh nghiệm cá nhân để giúp người được hỗ trợ hiểu rõ vấn đề của mình. Tư vấn có mặt tại nhiều lĩnh vực khác nhau: như tâm lý, y tế, tài chính, luật, học tập.vv.
Trên thực tế tại Việt Nam, chưa có trường Đại học nào đào tạo ngành “tư vấn tâm lý” mà chỉ có đào tạo ngành tâm lý học và có các danh xưng chuyên môn như: nhà tâm lý học, nhà tâm lý học lâm sàng, nhà tham vấn tâm lý, nhà trị liệu tâm lý, nhà tâm lý học đường, bác sĩ tâm thần.
Vì vậy, cần hiểu rõ: Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, người làm Tư vấn tâm lý dựa trên việc ĐƯA RA LỜI KHUYÊN không được coi là người hành nghề tâm lý chuyên nghiệp. Đây là một hoạt động mang tính tự phát, và ai cũng có thể tự xưng là “nhà tư vấn tâm lý” mà không cần chứng chỉ hay bằng cấp.
Do thời gian đầu ngành tâm lý học phát triển tại Việt Nam, thuật ngữ Counselling được đại chúng dịch bằng từ dễ hiểu là Tư vấn tâm lý, về sau này Giới chuyên môn trong nước mới đính chính dịch thuật là Tham vấn. Vì vậy cho đến nay, từ Tư vấn vẫn bị dùng sai rất nhiều, thường xuyên bị nhầm lẫn với hoạt động tâm lý chuyên nghiệp là Tham vấn tâm lý và Trị liệu tâm lý.

Tư vấn tâm lý có hiệu quả không?
- Tư vấn tâm lý có thể hiệu quả với bạn, nếu bạn thật sự chỉ đang cần một lời khuyên nhanh chóng, hoặc cần giúp tìm ra một giải pháp cho tình huống khó khăn cụ thể nào đó trong cuộc sống, công việc, học tập hay mối quan hệ. Nhà tư vấn tâm lý sẽ dựa trên kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của họ để đưa ra lời khuyên cho bạn.
- Nếu bạn đang gặp các rối loạn tâm lý kéo dài, muốn giải quyết tận gốc cảm xúc và hành vi của mình thì tư vấn tâm lý sẽ không có hiệu quả với bạn.
👉 Nếu bạn muốn biết mình có đang lầm tưởng về Chuyên gia Tư vấn tâm lý và vai trò, chuyên môn của họ khác gì Nhà tâm lý học, xem thêm TẠI ĐÂY
Tham vấn tâm lý là gì?

Khái niệm tham vấn tâm lý, cách thức hoạt động của tham vấn.
Theo định nghĩa của hiệp hội Tâm lý học Hoa kỳ APA:
Tham vấn tâm lý (Counseling psychology) là một chuyên ngành của dịch vụ y tế tổng quát trong tâm lý học chuyên nghiệp. Tham vấn tâm lý tập trung vào các vấn đề cảm xúc, xã hội, nghề nghiệp, giáo dục, sức khỏe, phát triển và tổ chức – chẳng hạn như cải thiện hạnh phúc, giảm bớt đau khổ và sự thiếu thích nghi, giải quyết khủng hoảng – và tiếp cận các vấn đề này từ góc nhìn cá nhân, gia đình, nhóm, hệ thống và tổ chức.
Trên thế giới hay tại Việt Nam, tham vấn tâm lý hiện đại với triết lý thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ thân chủ là các cá nhân, gia đình, nhóm khác nhau đang gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần, giáo dục, nghề nghiệp, cuộc sống cá nhân, gia đình .v.v., đạt được mục tiêu của mình.
Cách thức hoạt động của tham vấn tâm lý là: Nhà tham vấn tâm lý chuyên nghiệp xây dựng mối quan hệ tôn trọng, chấp nhận, tin tưởng, thấu cảm với thân chủ trong bối cảnh của họ, mà KHÔNG ĐƯA RA LỜI KHUYÊN hay PHÁN XÉT.
Tham vấn sử dụng các kỹ thuật tâm lý như: lắng nghe, phản hồi, hướng dẫn, khích lệ, chia sẻ thông tin, nâng đỡ, tái cấu trúc nhận thực, hướng dẫn kỹ năng, thư giãn, giải mẫn cảm, trải nghiệm, đóng vai, giáo dục tâm lý.v.v. để giúp thân chủ đạt được mục tiêu cải thiện sức khỏe tinh thần MÀ KHÔNG DÙNG THUỐC.
Tại Việt Nam, người được đào tạo bài bản về tâm lý học tại các trường Đại học trong nước và Quốc tế chuyên ngành Tâm lý học tham vấn sẽ hoạt động như một nhà tham vấn tâm lý, được gọi chung là các Nhà tâm lý học.
👉 Để biết chi tiết hơn về Tham vấn và Nhà tham vấn tâm lý giúp gì cho bạn, đọc thêm TẠI ĐÂY.
Tham vấn tâm lý có hiệu quả không?
Nếu bạn gặp các vấn đề rối nhiễu tâm lý về cảm xúc hành vi, căng thẳng, thiếu thích nghi tâm lý gây cản trở trong nghề nghiệp, cuộc sống, các mối quan hệ xã hội và gần gũi, đau khổ hay khủng hoảng v.v. thì Tham vấn sẽ rất hiệu quả với bạn.
Trên thực tế, tham vấn tâm lý đã được chứng minh là có tác động tích cực rõ rệt đến sự cải thiện cảm xúc, hành vi và kỹ năng xã hội của người tiếp nhận. Các nghiên cứu thực nghiệm và tổng quan cho thấy, tham vấn tâm lý giúp:
- Giảm rõ rệt mức độ lo âu và căng thẳng cảm xúc: Theo khảo sát của King & Bambling (2005), hơn 85% thanh thiếu niên sử dụng dịch vụ tham vấn tâm lý cho biết họ cảm thấy “ít lo âu hơn” chỉ sau 3 buổi đầu tiên, bất kể hình thức tham vấn là trực tiếp hay qua mạng. Điều này cho thấy hiệu quả của tham vấn phụ thuộc chủ yếu vào sự kết nối và lắng nghe của nhà chuyên môn hơn là phương thức thực hiện.
- Tăng cảm giác được thấu hiểu và an toàn tâm lý: Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phần lớn người được tham vấn tâm lý cảm thấy “được hiểu rõ hơn”, từ đó giúp ổn định cảm xúc và mở ra khả năng tự khám phá bản thân một cách an toàn.
- Cải thiện kỹ năng giao tiếp và ra quyết định: Quá trình tham vấn khuyến khích thân chủ diễn đạt suy nghĩ rõ ràng hơn, nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, từ đó đưa ra lựa chọn chính xác hơn, khách quan hơn.
- Tăng năng lực tự nhận thức và đối diện với vấn đề: Việc được phản chiếu và lắng nghe trong không gian không phán xét giúp người tiếp nhận tham vấn phát triển khả năng nhận biết cảm xúc, hành vi và mô thức suy nghĩ của chính mình.
- Tác động trung bình cao hơn 80% so với không can thiệp: Nghiên cứu của Cooper (2008) đã tổng hợp hơn 100 nghiên cứu thực nghiệm và kết luận rằng hiệu quả trung bình của tham vấn vượt trội đáng kể so với những người không nhận hỗ trợ tâm lý. Đặc biệt, mối quan hệ hợp tác tích cực giữa thân chủ và nhà tham vấn là yếu tố then chốt cho sự phục hồi.
- Giảm cảm giác cô đơn và tách biệt xã hội: Nhiều người tham gia tham vấn báo cáo rằng chỉ riêng việc được lắng nghe và kết nối với một người không phán xét đã giúp họ cảm thấy bớt cô lập và có giá trị hơn trong cuộc sống.
- Thúc đẩy sự tự tin và lòng tự trọng: Việc được công nhận và phản hồi tích cực trong môi trường an toàn giúp người tham vấn xây dựng hình ảnh bản thân lành mạnh và có lòng tin hơn vào khả năng của chính mình.
- Tăng khả năng thích nghi trong các giai đoạn chuyển tiếp: Tham vấn hỗ trợ người tiếp nhận xử lý cảm xúc và xây dựng chiến lược đối mặt hiệu quả trong các giai đoạn như ly hôn, mất việc, học lên cao, nghỉ hưu…
- Ngăn ngừa diễn tiến xấu cho sức khỏe tâm thần : Trong một số trường hợp, tham vấn kịp thời có thể giúp người trải nghiệm khủng hoảng tâm lý tránh chuyển biến sang các rối loạn nghiêm trọng hơn như trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng sau sang chấn .v.v.
Trị liệu tâm lý là gì?

Khái niệm trị liệu tâm lý, cách thức hoạt động của trị liệu tâm lý.
Theo định nghĩa của American Psychological Association (APA):
Trị liệu tâm lý ( Psychotherapy ) là bất kỳ dịch vụ tâm lý nào được cung cấp bởi một nhà chuyên môn được đào tạo, chủ yếu sử dụng các hình thức giao tiếp và tương tác để đánh giá, chẩn đoán và điều trị các phản ứng cảm xúc không lành mạnh, lối tư duy lệch lạc và các kiểu hành vi không phù hợp. Trị liệu tâm lý có thể được thực hiện với cá nhân, cặp đôi, gia đình hoặc nhóm.
Còn theo PGS. TS Tâm lý học Nguyễn Thị Minh Hằng (2017) : Trị liệu tâm lý là xây dựng mối tương tác chuyên nghiệp giữa nhà tâm lý lâm sàng và thân chủ, trong đó nhà tâm lý lâm sàng sử dụng các kỹ thuật tâm lý giúp thân chủ thay đổi nhận thức, cảm xúc và hành vi không thích ứng để họ có cuộc sống hạnh phúc hơn.
Cách thức hoạt động của trị liệu tâm lý là: Nhà trị liệu tương tác có ý thức và có kế hoạch nhằm tác động đến những rối nhiễu hành vi, những trạng thái đau khổ, trên cơ sở đồng thuận (giữa thân chủ/ bệnh nhân, nhà trị liệu, người giám hộ), được xem là cần thiết một đợt trị liệu bằng những liệu pháp tâm lý chuyên biệt nhằm loại bỏ các dấu hiệu, triệu chứng rối loạn tâm lý hoặc thay đổi cấu trúc nhân cách dựa trên một hoặc một số lý thuyết về hành vi bình thường hoặc bất thường, quá trình này cần một mối quan hệ tin tưởng, hợp tác MÀ KHÔNG DÙNG THUỐC.
Tại Việt Nam, người được đào tạo bài bản về tâm lý học tại các trường Đại học trong nước và Quốc tế chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học tham vấn được đào tạo sâu về trị liệu sẽ hoạt động như một nhà trị liệu tâm lý, được gọi chung là các Nhà tâm lý học.
👉 Để biết chi tiết hơn về Trị liệu tâm lý và nhà trị liệu tâm lý sẽ giúp gì cho bạn, đọc thêm TẠI ĐÂY.
Trị liệu tâm lý có hiệu quả không?
Nếu bạn gặp các vấn đề rối loạn, chấn thương tâm lý phức tạp, kéo dài như lo âu, trầm cảm, căng thẳng sau sang chấn, rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách ranh giới .v.v thì trị liệu tâm lý sẽ rất có hiệu quả với bạn.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh trị liệu không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn tạo ra những thay đổi bền vững trong nhận thức, hành vi và chất lượng sống tổng thể. Các hiệu quả rõ rệt là:
- Cải thiện sức khỏe tâm thần toàn diện: Nghiên cứu kinh điển của Smith & Glass (1977), tổng hợp gần 400 nghiên cứu thực nghiệm, chỉ ra rằng người tham gia trị liệu có kết quả tốt hơn 75% so với nhóm không điều trị. Quan trọng hơn, hiệu quả này được ghi nhận ở nhiều loại hình trị liệu khác nhau, từ đó khẳng định tính nhất quán và đáng tin cậy của trị liệu nói chung.
- Tăng năng lực tự nhận thức và khả năng ứng phó dài hạn: Trị liệu giúp thân chủ hiểu rõ động lực tâm lý sâu xa, từ đó tăng khả năng tự điều chỉnh cảm xúc, xây dựng mối quan hệ lành mạnh và vượt qua khủng hoảng cuộc sống.
- Hiệu quả tương đương phương pháp sử dụng thuốc nhưng vượt trội ở khía cạnh chất lượng sống: Nghiên cứu Leichsenring và cộng sự (2022) tổng hợp các phân tích gần đây về điều trị các rối loạn tâm thần, kết luận rằng trị liệu tâm lý có hiệu quả tương đương thuốc trong giảm triệu chứng, nhưng vượt trội hơn về cải thiện chức năng xã hội và chất lượng sống lâu dài. Điều này củng cố vị trí của trị liệu như một lựa chọn điều trị toàn diện.
- Xây dựng khả năng phục hồi tâm lý : Trị liệu tâm lý giúp hình thành và phát huy các nguồn lực tâm lý, khả năng đứng vững và thích nghi khi đối mặt với khủng hoảng trong tương lai. Người đã từng trị liệu thường có xu hướng đối diện với biến cố sau này một cách bình tĩnh, hiểu bản thân hơn và có chiến lược nội tại để vượt qua.
- Thay đổi mô thức sống và giá trị cá nhân: Quá trình trị liệu giúp thân chủ nhận diện được các niềm tin giới hạn, lối sống vô thức hoặc giá trị không còn phù hợp. Từ đó, họ dần điều chỉnh lại mục tiêu sống, cách định nghĩa thành công – hạnh phúc, và thiết lập hệ giá trị cá nhân sâu sắc, phù hợp với bản thân thật sự.
- Giảm triệu chứng stress hậu sang chấn (PTSD): Một phân tích tổng hợp của Watts và cộng sự (2013) cho thấy, trị liệu bằng liệu pháp nhận thức hành vi CBT giúp cải thiện đáng kể triệu chứng PTSD, bao gồm cả tái hiện sang chấn, tránh né và tăng kích thích. Đây là phương pháp được khuyến nghị hàng đầu trong điều trị PTSD ở người trưởng thành.
Nên chọn tư vấn tâm lý, tham vấn tâm lý hay trị liệu tâm lý?
So sánh chi tiết các hình thức hỗ trợ tâm lý
Tiêu chí | Tư vấn tâm lý | Tham vấn tâm lý | Trị liệu tâm lý |
Mục tiêu | Đưa ra lời khuyên và giải pháp cá nhân. | Giúp soi hiểu bản thân và tìm ra giải pháp cho chính vấn đề của mình. Không đưa ra lời khuyên. | Chuyển hóa sâu sắc giúp giảm các triệu chứng rối loạn tâm lý phức tạp. |
Mức độ tác động | Bề mặt, hiện tại. | Cảm xúc – hành vi. | Vô thức, chấn thương. |
Hiệu quả | Chưa rõ vì chưa có nghiên cứu. | Trung hạn và dài hạn. | Dài hạn – bền vững. |
Thời gian | Chưa rõ vì chưa có nghiên cứu. | Thường từ 4 đến 10 buổi. | Thường từ 8 buổi trở lên. Có thể lên đến vài tháng/năm. |
Khi nào nên chọn hình thức nào?

- Khi nào nên chọn tư vấn tâm lý?
- Bạn chỉ đang phân vân một vấn đề cụ thể trong học tập, công việc hay quan hệ cá nhân.
- Bạn muốn một lời khuyên nhanh từ người có kinh nghiệm cá nhân.
- Bạn không gặp các rối loạn cảm xúc kéo dài hay sang chấn tâm lý.
- Bạn cần người định hướng ngắn gọn, không yêu cầu chuyên môn tâm lý học.
Ví dụ: nên nghỉ hay ở lại công việc hiện tại? có nên tiếp tục mối quan hệ này?
- Khi nào nên chọn tham vấn tâm lý?
- Bạn đang thấy mình bị căng thẳng, mất định hướng, khó kiểm soát cảm xúc.
- Bạn cần một người đồng hành không phán xét, giúp bạn hiểu bản thân rõ hơn.
- Bạn muốn cải thiện các vấn đề quan hệ xã hội, công việc, gia đình.
- Bạn cần hỗ trợ vượt qua khủng hoảng cá nhân như kết hôn, ly hôn, chia tay, chuyển việc, nghỉ hưu .vv.
- Bạn chưa cần điều trị chuyên sâu nhưng muốn thay đổi tích cực từ gốc rễ hành vi và suy nghĩ.
Ví dụ: bạn thường mất ngủ do căng thẳng, suy nghĩ quá nhiều và dễ nổi giận trong mối quan hệ, hoặc cảm thấy tự ti kéo dài nhưng chưa rõ lý do.
- Khi nào nên chọn trị liệu tâm lý?
- Bạn gặp các rối loạn tâm lý rõ rệt như trầm cảm, lo âu, sang chấn, rối loạn lưỡng cực, rối loạn nhân cách…
- Bạn mang theo vết thương tâm lý sâu, kéo dài, có thể bắt nguồn từ tuổi thơ hoặc mối quan hệ độc hại.
- Bạn thấy bản thân lặp đi lặp lại các cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ tiêu cực hoặc hành vi tự hủy hoại.
- Các biện pháp như đọc sách, nói chuyện với bạn bè, hay tham vấn không đủ giúp bạn hồi phục.
Ví dụ: bạn cảm thấy trống rỗng dù có mọi thứ; bạn từng bị bạo hành và đang gặp tái hiện sang chấn; hoặc cảm xúc lên xuống cực đoan khiến cuộc sống rối loạn.
Tuy nhiên ngày nay, ranh giới giữa trị liệu và tham vấn tâm lý ngày càng xoá nhoà. Nhà tham vấn và trị liệu thường hoạt động kết hợp, có thể gọi là nhà tham vấn trị liệu tâm lý, đòi hỏi họ cần có sự mở rộng, đào sâu và nâng cao chuyên môn liên tục.
Kết luận
Tóm lại, tư vấn tâm lý là hoạt động tự phát, đưa ra lời khuyên nhanh cho tình huống cụ thể. Tham vấn tâm lý là hoạt động tâm lý chuyên nghiệp giúp bạn hiểu bản thân, điều chỉnh cảm xúc – hành vi trong các khủng hoảng. Trị liệu tâm lý cũng là hoạt động tâm lý chuyên nghiệp, làm việc chuyên sâu với tổn thương tâm lý và rối loạn kéo dài.
Chưa có nghiên cứu hay thực nghiệm nào về hiệu quả của tư vấn tâm lý, ngược lại vô số nghiên cứu chứng minh tính hiệu quả rõ rệt của tham vấn và trị liệu tâm lý. Dựa vào nhu cầu, mức độ khó khăn bạn đang gặp, mục tiêu bạn hướng tới, và mong muốn đồng hành ngắn hạn hay lâu dài để chọn hình thức phù hợp nhất với bạn.
Bạn có thể đặt lịch với các nhà tham vấn và trị liệu tâm lý nhiều kinh nghiệm của Văn phòng tâm lý Miền Hải Đăng TẠI ĐÂY.
Hoặc bạn còn bất kỳ thắc mắc, băn khoăn nào cần giải đáp, đừng ngần ngại nhắn tin cho Miền Hải Đăng qua zalo hoặc messenger nhé!
Câu hỏi thường gặp về tư vấn tâm lý, tham vấn tâm lý và trị liệu tâm lý
Khác biệt chính là mức độ chuyên nghiệp và can thiệp: tư vấn là hoạt động tự phát và đưa lời khuyên cá nhân định hướng nhanh, tham vấn tâm lý giúp hiểu và điều chỉnh bản thân, còn trị liệu tâm lý đi sâu chữa lành tổn thương tâm lý.
Tư vấn tâm lý mang tính tự phát không phải là hoạt động tâm lý chuyên nghiệp, chưa có nghiên cứu và thực nghiệm về hiệu quả của nó. Vì vậy tư vấn tâm lý chỉ hiệu quả trong các tình huống cụ thể, ngắn hạn – khi bạn cần lời khuyên nhanh, định hướng hành động rõ ràng, và không gặp bất kỳ rối loạn tâm lý nào.
Tham vấn tâm lý được rất nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả rõ rệt: cải thiện cảm xúc, hành vi, kỹ năng xã hội và khả năng thích nghi. Hiệu quả rõ rệt với các vấn đề tâm lý mức độ nhẹ đến vừa, khi người tiếp nhận còn đủ năng lực ra quyết định và mong muốn thay đổi tích cực từ bên trong.
Trị liệu tâm lý được nghiên cứu chứng minh là có nhiều hiệu quả rõ rệt, thay đổi sâu sắc, bền vững. Đây là phương pháp hiệu quả nhất với các rối loạn tâm thần, sang chấn kéo dài, hoặc các mô thức tâm lý tiêu cực lặp đi lặp lại. Trị liệu giúp chuyển hóa từ gốc rễ, không chỉ giảm triệu chứng mà còn nâng cao chất lượng sống lâu dài.
- Chọn tư vấn tâm lý nếu bạn cần lời khuyên cho một quyết định cụ thể và không cần tính chuyên môn tâm lý học.
- Chọn tham vấn tâm lý nếu bạn muốn sử dụng dịch vụ tâm lý chuyên nghiệp để hiểu bản thân, vượt qua khó khăn cảm xúc, mâu thuẫn hoặc mất cân bằng trong cuộc sống.
- Chọn trị liệu tâm lý nếu bạn muốn sử dụng dịch vụ tâm lý chuyên nghiệp để vượt qua rối loạn tâm lý kéo dài, tổn thương sâu hoặc muốn chuyển hóa từ gốc các vấn đề tâm lý.
Có thể, nếu nhà tham vấn tâm lý của bạn khi làm việc thấy có nhiều rối loạn tâm lý sâu sắc và nghiêm trọng, họ sẽ đề nghị bạn sử dụng trị liệu tâm lý để thay thế.
Tham vấn tâm lý là lựa chọn phù hợp với bạn. Nhà tham vấn sẽ tôn trọng, nâng đỡ cảm xúc, lắng nghe và thấu cảm với mọi vấn đề của bạn mà không phán xét.
Tham vấn tâm lý và trị liệu tâm lý đều dùng các kỹ thuật trò chuyện, không kê thuốc. Bác sĩ tâm thần điều trị bằng thuốc.
Không. Văn phòng tâm lý Miền Hải Đăng cung cấp dịch vụ tâm lý chuyên nghiệp, đội ngũ là các nhà tham vấn và trị liệu tâm lý được đào tạo bài bản và làm việc theo tiêu chuẩn đạo đức nghề.
Mình đã từng tham vấn tâm lý ở Miền Hải Đăng và cũng từng đi tư vấn tâm lý ở chỗ khác. Mình từng bị trauma vì anh tư vấn tâm lý phán xét và cho lời khuyên thô bạo khiến mình sợ đi tâm lý một thời gian. May sao được giới thiệu và đến Miền Hải Đăng mới nhận ra là anh chuyên gia tư vấn tâm lý kia chắc không có chuyên môn lắm. Hiện nay mình thấy khá hài lòng với quyết định đi tham vấn của mình