Cách nào nhận biết dấu hiệu trầm cảm?

Các dấu hiệu để nhận biết trầm cảm sớm

Trầm cảm không phải lúc nào cũng thể hiện bằng nước mắt hay nỗi buồn lộ rõ. Ở nhiều người, nó ẩn mình sau vẻ ngoài bình thường, khiến cả người mắc lẫn người thân khó lòng nhận ra. Nhận diện sớm các dấu hiệu trầm cảm là bước quan trọng để can thiệp đúng lúc, tránh để vấn đề âm thầm tiến triển. Vậy làm sao để nhận ra các dấu hiệu về trầm cảm? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi đó.

Tại sao cần nhận biết dấu hiệu trầm cảm?

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu trầm cảm sẽ giúp:

  • Can thiệp kịp thời: Trầm cảm nếu không được điều trị sớm sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng, làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ảnh hưởng đến học tập, công việc, các mối quan hệ và gia tăng nguy cơ tự làm hại bản thân hoặc thậm chí là chấm dứt cuộc đời.
  • Tránh nhầm lẫn với buồn chán thông thường:
    • Với người thực sự mắc trầm cảm: Họ có thể bị người xung quanh (và cả chính bản thân mình) coi nhẹ vấn đề, cho rằng chỉ là “chán nản nhất thời” hay “yếu đuối tinh thần”. Việc không được nhìn nhận đúng sẽ khiến họ không nhận được hỗ trợ cần thiết đúng lúc.
    • Với người chỉ đang trải qua cảm xúc buồn chán thông thường: Ngược lại, nhiều người do tiếp nhận thông tin chưa đầy đủ từ mạng xã hội dễ tự gán nhãn trầm cảm cho cảm xúc thoáng qua của mình, dẫn đến lo lắng không cần thiết hoặc tự áp dụng các biện pháp giải quyết không phù hợp.
  • Xác định đúng hướng điều trị: Các dấu hiệu được nhận diện rõ ràng giúp cho quá trình đánh giá mức độ và nguyên nhân trầm cảm của các nhà chuyên môn diễn ra thuận lợi, từ đó đưa ra phương án can thiệp đúng hướng và hiệu quả.

Như vậy, nhận biết dấu hiệu trầm cảm là bước quan trọng giúp bất kỳ ai quan tâm đến sức khỏe tâm lý của bản thân hoặc người thân có thể phản ứng sớm và tìm đến sự hỗ trợ phù hợp.

Đọc thêm: Trầm cảm khác gì với buồn chán?

Các dấu hiệu trầm cảm nào có thể quan sát bằng mắt thường?

Phải nói rằng, thật không dễ dàng để nhận ra các dấu hiệu của trầm cảm. Thậm chí đến chính bản thân người mắc cũng không chắc mình đang gặp vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ các biểu hiện trong sinh hoạt hàng ngày, bạn vẫn có thể nhận ra những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ trầm cảm ở mình hoặc những người thân xung quanh. Một số các dấu hiệu trầm cảm có thể nhận biết theo Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5-TR) như sau:

  • Không còn hứng thú với những điều từng yêu thích
    Chẳng hạn như, trước đây bạn thích đi chơi, nghe nhạc, đọc sách, nhưng giờ đây tất cả đều trở nên vô nghĩa, bạn không muốn làm gì cả.
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
    Bạn có thể trằn trọc cả đêm, dậy sớm bất thường, hoặc ngủ nhiều nhưng vẫn thấy mệt. Những thay đổi này kéo dài nhiều ngày, không do thay đổi sinh hoạt.
  • Luôn thấy mệt mỏi, kiệt sức
    Cả khi không làm gì nhiều, bạn vẫn cảm thấy như không còn năng lượng. Việc đơn giản như ra khỏi giường, đánh răng cũng trở nên khó khăn.
  • Cảm giác tội lỗi, vô dụng không rõ lý do
    Bạn thấy mình thật tệ, là gánh nặng cho người khác, dù người ngoài không thấy bạn làm sai điều gì.
  • Luôn nhìn mọi thứ theo hướng tiêu cực
    Dù người khác động viên, bạn vẫn thấy mình thất bại, thấy tương lai mù mịt. Các suy nghĩ tiêu cực lặp đi lặp lại trong đầu.
  • Thu mình khỏi xã hội
    Bạn không muốn nói chuyện, không gặp ai, cắt đứt liên lạc với bạn bè mà không rõ lý do. Bạn chỉ muốn ở một mình.
  • Suy nghĩ về cái chết hoặc tự hủy hoại bản thân
    Bạn từng nghĩ “giá mà mình biến mất”, hoặc cảm thấy không còn lý do để sống. Có các hành vi hoặc mong muốn làm đau cơ thể mình.
Cảm thấy chán ghét các sở thích từng có
Mất hứng thú với những sở thích từng có là dấu hiệu nhận biết trầm cảm điển hình – Nguồn: Miền Hải Đăng

Cần theo dõi các dấu hiệu trầm cảm này trong bao lâu?

  • Những biểu hiện trên cần kéo dài ít nhất 2 tuần liên tục.
  • Chúng gây ảnh hưởng rõ rệt đến công việc, học tập hoặc các mối quan hệ.
  • Nếu có từ 4 dấu hiệu trở lên, bạn nên cân nhắc gặp nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần để được đánh giá chuẩn xác.

Có thể sử dụng các trắc nghiệm để tự nhận biết dấu hiệu trầm cảm được không?

Có! Nhưng bạn cần hiểu đúng vai trò và giới hạn của các trắc nghiệm này.

Các thang đo hoặc trắc nghiệm tâm lý là những công cụ được thiết kế khoa học để đánh giá trạng thái tinh thần, hành vi và cảm xúc của con người. Chúng thường được thiết kế dưới dạng bảng câu hỏi hoặc bài kiểm tra có hướng dẫn chấm điểm rõ ràng.

Một số các trắc nghiệm hoặc thang đo tâm lý được sử dụng trong sàng lọc các vấn đề tâm lý. Bạn có thể thực hiện các trắc nghiệm này để xem xét các nguy cơ bản thân có thể gặp phải vấn đề về trầm cảm hay không.

Ưu điểm của các trắc nghiệm tâm lý:

  • Nhanh chóng, dễ thực hiện.
  • Giúp người thực hiện có cái nhìn ban đầu về mức độ tiêu cực trong cảm xúc và suy nghĩ của mình.
  • Có thể là công cụ hỗ trợ trong việc tự quan sát sức khỏe tâm thần.

Nhưng cũng cần lưu ý các giới hạn của trắc nghiệm tâm lý:

  • Không thay thế đánh giá tâm lý chuyên nghiệp: Trắc nghiệm chỉ là công cụ hỗ trợ sàng lọc, không thể xác định chính xác bạn có bị trầm cảm hay không. Chẩn đoán hay đánh giá tâm lý chính xác cần được thực hiện bởi các nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần, dựa trên tiêu chuẩn lâm sàng và đánh giá cẩn thận kỹ lưỡng ở toàn bộ các yếu tố khác nhau tác động lên cá nhân.
  • Không phải trắc nghiệm tâm lý nào cũng có thể tự làm: Chỉ có một số ít các trắc nghiệm tâm lý bạn có thể tự làm. Hầu hết các trắc nghiệm, thang đo tâm lý được yêu cầu thực hiện hoặc được tiến hành dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhà chuyên môn tâm lý. 

Như vậy, bạn có thể sử dụng một số các trắc nghiệm tâm lý phổ biến để nhận định bản thân hoặc người thân có các dấu hiệu trầm cảm hay không. Trong trường hợp các kết quả đó chỉ ra nguy cơ mắc trầm cảm, bạn cần sớm tìm đến các cơ sở tham vấn trị liệu tâm lý uy tín để được chẩn đoán và đánh giá tâm lý một cách toàn diện, đúng đắn và an toàn.

Các trắc nghiệm tâm lý nhận biết dấu hiệu trầm cảm cần được thực hiện bởi các nhà chuyên môn.
Đa số các trắc nghiệm tâm lý nhận biết dấu hiệu trầm cảm cần được thực hiện bởi nhà chuyên môn – Nguồn: Miền Hải Đăng

Đọc thêm: Thực hiện các bài test trầm cảm như thế nào?

Làm gì khi nhận thấy có các dấu hiệu trầm cảm?

Khi nhận ra bản thân (hoặc người thân) có những dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm, điều quan trọng là không nên chủ quan hoặc tự xử lý một mình. Dưới đây là những điều bạn có thể làm khi nhận thấy xuấy hiện các dấu hiệu trầm cảm:

  • Đừng tự đánh giá hoặc bỏ qua: Cảm giác “chắc mình chỉ mệt mỏi thôi” có thể khiến bạn trì hoãn việc tìm kiếm sự giúp đỡ, dẫn đến tình trạng kéo dài và nghiêm trọng hơn.
  • Ghi lại các biểu hiện cụ thể: Việc này giúp ích khi bạn đến gặp các nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần. Hãy ghi chú lại các triệu chứng, thời gian kéo dài, mức độ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Tìm gặp nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần: Chỉ các chuyên gia có đào tạo chuyên môn mới có thể đưa ra chẩn đoán hoặc đánh giá tâm lý chính xác và đề xuất hướng điều trị phù hợp.
  • Hạn chế tự chẩn đoán qua mạng: Mạng xã hội và Internet có thể giúp bạn ý thức vấn đề, nhưng không đủ cơ sở khoa học để thay thế việc đánh giá tâm lý lâm sàng.
  • Chia sẻ với người thân đáng tin cậy: Sự đồng hành từ người thân có thể hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc vượt qua khó khăn và đi đến bước tìm kiếm hỗ trợ chuyên nghiệp.

Kết luận

Nhận biết sớm dấu hiệu trầm cảm là bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe tâm lý. Bạn hoàn toàn có thể thực hiện điều đó thông qua nội dung của bài viết trên. Nếu bạn nhận thấy mình hoặc người thân có những biểu hiện bất thường, đừng ngần ngại tìm đến các nhà chuyên môn tâm lý để được đánh giá chính xác và hỗ trợ kịp thời.

Nếu bạn nghi ngờ mình hoặc người thân đang gặp các vấn đề về trầm cảm, bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ của các nhà tham vấn và trị liệu tâm lý tại Miền Hải Đăng để được đánh giá kỹ lưỡng vấn đề và can thiệp kịp thời cũng như hiệu quả.

Bạn có thể đặt lịch với các nhà tham vấn và trị liệu tâm lý nhiều kinh nghiệm của Văn phòng tâm lý Miền Hải Đăng TẠI ĐÂY.
Hoặc bạn còn bất kỳ thắc mắc, băn khoăn nào cần giải đáp, đừng ngần ngại nhắn tin cho Miền Hải Đăng qua zalo hoặc messenger nhé!

Câu hỏi thường gặp về cách nhận biết dấu hiệu trầm cảm

1. Làm sao phân biệt trầm cảm với buồn chán thông thường?

Trầm cảm kéo dài từ 2 tuần trở lên, ảnh hưởng rõ đến công việc, học tập, và quan hệ xã hội. Buồn chán thường chỉ là cảm xúc thoáng qua, cải thiện nhanh khi thay đổi hoàn cảnh.

2. Tôi có thể tự kiểm tra xem mình có bị trầm cảm không?

Bạn có thể làm một số các trắc nghiệm tâm lý đơn giản bạn đầu. Tuy nhiên, không nên tự chẩn đoán. Kết quả chỉ nên dùng để cân nhắc gặp chuyên gia tâm lý.

3. Dấu hiệu nào của trầm cảm dễ quan sát nhất?

Mất hứng thú với mọi hoạt động, thay đổi giấc ngủ, mệt mỏi kéo dài, suy nghĩ tiêu cực, rút lui khỏi xã hội, và ý nghĩ về cái chết là những dấu hiệu quan trọng.

4. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, tôi nên làm gì?

Nên ghi lại các triệu chứng và tìm đến nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần để được đánh giá và tư vấn kịp thời. Tránh tự xử lý một mình hoặc tra cứu lan man trên mạng.

5. Có thể dùng trắc nghiệm online thay cho việc gặp chuyên gia không?

Không. Trắc nghiệm chỉ giúp bạn có gợi ý ban đầu, không thay thế cho đánh giá tâm lý chuyên môn. Việc chẩn đoán đúng cần gặp nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần.

Để lại một bình luận

Các trường bắt buộc được đánh dấu *