Trầm cảm nội sinh ( Endogenous) và Trầm cảm ngoại sinh ( Exogenous) 

Trầm cảm

Các bác sĩ thần kinh và các nhà nghiên cứu đã từng phân loại trầm cảm bằng cách sử dụng một cặp thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latin: endogenous (nghĩa là “từ bên trong” – nội sinh) và exogenous (nghĩa là “từ bên ngoài” – ngoại sinh). Hai thuật ngữ này dùng để chỉ bệnh trầm cảm của một người đến từ nguyên nhân bên trong (như gen di truyền) hay nguyên nhân từ bên ngoài (như những sự kiện căng thẳng hoặc gây sang chấn).

Trước đây người ta đã từng tin rằng việc phân biệt hai nhóm này là rất cần thiết và rằng mỗi loại trầm cảm cần phải được điều trị khác nhau. Tuy nhiên, nhiều thập kỷ trôi qua, nghiên cứu vẫn chưa đưa ra những bằng chứng thuyết phục ủng hộ học thuyết này.

Ngày nay, loại trầm cảm mà trước đây được phân là “nội sinh” được gọi tên là Trầm cảm dạng điển hình (MDD). Theo luồng tư tưởng hiện tại thì các hình thức điều trị giống nhau có thể được áp dụng cho Trầm cảm dạng điển hình, dù nó là “nội sinh” hay “ngoại sinh” đi chăng nữa.

Tuy nhiên, đôi lúc, nắm bắt được khái niệm căn nguyên nội sinh và ngoại sinh của trầm cảm cũng sẽ khá hữu ích cho các chuyên gia y tế và sức khỏe tâm thần khi giải thích cho mọi người hiểu được bệnh lý này.

Triệu chứng. Symptoms

Có sự trùng lặp đáng kể trong các triệu chứng giữa các nhóm bệnh lý trầm cảm này. Khác biệt chủ chốt nhất (đặc biệt khi nói đến dạng nội sinh và ngoại sinh) có thể là căn nguyên hoặc yếu tố châm ngòi cho từng đợt trầm cảm thay vì xét đến các triệu chứng cụ thể.

Trầm cảm nội sinh. Endogenous Depression

Các triệu chứng của trầm cảm nội sinh bao gồm cảm giác buồn bã, vô dụng, tội lỗi,  không thể tận hưởng sở thích một cách bình thường. Bạn có thể để ý những thay đổi trong khẩu vị, giấc ngủ, và mức năng lượng ở người bệnh.

Nếu bạn mắc trầm cảm nội sinh, thế giới của bạn sẽ trở nên tăm tối và buồn thảm vì đó chính là điều bạn cảm thế từ sâu bên trong con người mình.

Trầm cảm ngoại sinh. Exogenous Depression

Trầm cảm ngoại sinh trông và nghe có vẻ khá tương đồng với trầm cảm nội sinh. Sự khác biệt ở đây là những triệu chứng này có thể đến sau một điều gì đó xảy ra trong cuộc đời chủ thể. Ví dụ, một người có thể liên tục cảm thấy buồn bã sau cái chết của người thân yêu hoặc vật lộn với cảm giác tội lỗi và cảm giác vô dụng sau khi bị mất việc.

Trầm cảm ngoại sinh có thể khiến thế giới trở nên tăm tối và buồn bã vì những gì xảy ra quanh bạn thay vì chính bản thân bạn.

Một điểm khác biệt khác nữa là người mắc trầm cảm ngoại sinh không phải lúc nào cũng có các triệu chứng trầm cảm thực thể, như khó ngủ hay thay đổi khẩu vị, vốn là những triệu chứng khá thường gặp ở những dạng trầm cảm khác.

Căn nguyên bệnh. Causes

Dù là trầm cảm nội sinh hay ngoại sinh thì hầu như lúc nào bệnh lý này cũng bị châm ngòi bởi những yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống. Ở những người dễ mắc trầm cảm bẩm sinh do di truyền hoặc đặc điểm sinh hóa thì một sự thay đổi hay một sự kiện đời sống hay sang chấn lớn có thể đóng vai trò là một yếu tố châm ngòi khiến những triệu chứng xuất hiện.

Trầm cảm nội sinh. Endogenous Depression

Người mắc trầm cảm nội sinh thường cảm thấy triệu chứng của mình xuất hiện “không rõ lý do” – ít nhất là họ cảm thấy không có lý do rõ ràng nào từ bên ngoài. Thay vào đó, nguyên nhân được cho là do đặc tính sinh hóa và/hoặc di truyền. Ví dụ, một người có tiền sử trong gia đình có người mắc bệnh lý tâm thần có khả năng mắc trầm cảm cao hơn.

Trầm cảm ngoại sinh. Exogenous Depression

Trầm cảm ngoại sinh (hay trầm cảm dạng phản ứng) được châm ngòi bởi một yếu tố gây căng thẳng từ bên ngoài như người thân yêu ra đi, ly hôn hoặc mất việc. Người trải qua hay chứng kiến một sự kiện gây sang chấn cũng có thể hình thành trầm cảm như một kết quả của quá trình tiếp xúc này.

Mặc dù ở một số người trầm cảm nội sinh bẩm sinh xuất hiện những đặc điểm ẩn giấu bệnh có thể châm ngòi cho các triệu chứng nhưng các yếu tố tác động từ bên ngoài có khả năng gây ra triệu chứng trầm cảm ở những người vốn bẩm sinh không có đặc điểm tiềm ẩn nào.

Chẩn đoán. Diagnosis

Các chuyên viên y khoa và sức khỏe tâm thần sử dụng một bộ tiêu chuẩn để chẩn đoán trầm cảm. Hướng dẫn này có trong Cẩm Nang Số Liệu và Chấn đoán các Rối loạn tâm thần, phiên bản thứ 5 (DSM-5).

Bác sĩ điều trị của bạn sẽ đánh giá bệnh trầm cảm cho bạn nhưng họ cũng có thể đề xuất bạn đi gặp bác sĩ chuyên khoa (như tâm thần) để chẩn đoán và điều trị những bệnh lý tâm thần.

Quá trình chẩn đoán trầm cảm thường bao gồm một số yếu tố chủ chốt. Thường bắt đầu bằng các câu hỏi: bạn cảm thấy tinh thần và cơ thể mình thế nào, mỗi ngày bình thường của bạn trôi qua như thế nào, và liệu có ai trong gia đình bạn mắc bệnh lý tâm thần không.

Bạn sẽ phải trả lời những câu hỏi về chế độ ăn và lối sống, các hoạt động xã hội, công việc, và bất cứ các loại thuốc bạn uống hay loại chất (ma túy) nào bạn đã đang sử dụng. Bác sĩ sẽ muốn biết liệu trong cuộc sống bạn có ai hỗ trợ mình không và liệu bạn có gặp nhiều khó khăn ở trường, chỗ làm hay tham gia vào các hoạt động xã hội.

Một trong những câu hỏi quan trọng nhất mà bạn phải trả lời là liệu bạn có suy nghĩ về việc tự sát hay cố gắng tự sát hay không – đây là một hệ quả tiềm tàng ở bệnh nhân trầm cảm chưa được điều trị.

Rối loạn trầm cảm dạng điển hình (MDD) được chẩn đoán khi một người trải qua nỗi buồn sâu sắc và/hoặc mất đi hứng thú với những hoạt động thường nhật cộng với một vài triệu chứng trầm cảm khác (như khó ngủ, thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng, và khó tập trung) trong ít nhất hai tuần.

Sau quá trình thảo luận, bác sĩ sẽ cẩn thận đánh giá câu trả lời của bạn và so sánh chúng với các tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm. Họ có thể hội chẩn với các chuyên gia khác hoặc có thể giới thiệu bạn đến những chuyên gia khác để được đánh giá thêm.

Một khi chẩn đoán được kết luận, đội ngũ y tế sẽ bắt đầu lên kế hoạch điều trị. Luôn nhớ rằng hình thức điều trị hiệu quả nhất cho bạn không nhất thiết giống với người khác cũng mắc trầm cảm, và bạn có thể cần phải thử nhiều hơn một hình thức điều trị.

Đôi khi, chẩn đoán cũng có thể thay đổi. Sometimes, your diagnosis might change.

Nếu bạn không đáp ứng tốt với một hình thức điều trị phổ biến trong trầm cảm chẳng hạn, thì bác sĩ có thể sẽ đánh giá lại các triệu chứng để xem liệu bạn có đang mắc một bệnh lý tâm thần nào khác, như rối loạn lưỡng cực, hay không.

Mặc dù quá trình chẩn đoán bất kỳ dạng trầm cảm nào đều khác tốn thời gian nhưng đảm bảo chẩn đoán chính xác mới là thứ cần ưu tiên. Chẩn đoán chính xác sẽ giúp bạn có thể tìm ra hình thức điều trị hiệu quả.

Điều trị. Treatment

Năm 2012, một nghiên cứu xuất bản trên tập san Tâm thần học Phân tử cho rằng căn nguyên gốc rễ của trầm cảm nội sinh và ngoại sinh có thể được tìm thấy trong nhiều đường dẫn trong não bộ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chứng minh được hai dạng trầm cảm này phản ứng khác nhau với những hình thức điều trị cụ thể cho trầm cảm, như điều trị bằng thuốc.

Mặc dù cả hai được tìm hiểu theo những cách khác nhau, nhưng cả trầm cảm nội sinh và ngoại sinh cuối cùng đều đưa đến sự mất cân bằng sinh hóa trong não bộ. Vì vậy, một hình thức điều trị giải quyết sự mất cân bằng này có thể được sử dụng cho cả hai nhóm.

Hình thức điều trị tiêu chuẩn cho trầm cảm dù ở dạng nào thường là thuốc chống trầm cảm. Những thuốc thuộc nhóm chống trầm cảm có tên Thuốc ứng chế tái hấp thu Serotonin có chọn lọc (SSRI) thường là lựa chọn đầu tiên, vì chúng mang đến hiệu quả liên tục và có độ dung nạp tốt. Thuốc điều trị thường được kết hợp với tâm lý trị liệu, hình thức kết hợp này có hiệu quả hơn so với hình thức điều trị bằng thuốc đơn lẻ.

Người mắc trầm cảm nặng hoặc kháng điều trị cao có thể cần các biện pháp can thiệp khác để kiểm soát hiệu quả các triệu chứng, như thuốc chống loạn thần và/hoặc Liệu pháp sốc điện (ECT).

Những đặc điểm riêng của các dạng trầm cảm vẫn đang được nghiên cứu thêm. Như một số thông tin mới được nghiên cứu và phát hiện thì trong tương lai, các hình thức điều trị có thể xuất hiện giúp kiểm soát nhiều dạng trầm cảm theo nhiều cách khác nhau và mang tính mục tiêu rõ ràng hơn.

Còn bây giờ, tốt nhất bạn vẫn nên trao đổi về các triệu chứng, tiền sử bệnh trong gia đinh và các yếu tố nguy cơ với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần nhằm xác định hình thức điều trị tốt nhất.

Tham khảo. Article Sources

Kahn E. Endogenous and exogenous depressions. Postgrad Med. 1954;16(4):330-3. doi:10.1080/00325481.1954.11711694

Malki K, Keers R, Tosto MG, et al. The endogenous and reactive depression subtypes revisited: Integrative animal and human studies implicate multiple distinct molecular mechanisms underlying major depressive disorder. BMC Med. 2014;12:73. doi:10.1186/1741-7015-12-73

National Institute of Mental Health. Depression. February 2018.

Andrus BM, Blizinsky K, Vedell PT, et al. Gene expression patterns in the hippocampus and amygdala of endogenous depression and chronic stress models. Mol Psychiatry. 2012;17(1):49-61. doi:10.1038/mp.2010.119

Nguồn: Như Trang – Khám phá tâm lý học ( https://trangtamly.blog )

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *