Cô đơn là một cảm xúc thường gặp của con người, nó vừa phức tạp vừa đặc thù cho từng cá nhân. Vì nó không có căn nguyên rõ ràng đơn lẻ nào nên việc phòng ngừa và điều trị trạng thái tâm lý tiềm ẩn tác nhân phá hoại này sẽ rất khác nhau.
Ví dụ, một đứa trẻ cô đơn sẽ cực kỳ khổ sở trong việc kết bạn ở trường, nhu cầu của nó sẽ khác một người đàn ông cô đơn vì vợ mới mất. Để hiểu rõ được sự cô đơn, ta cần tìm hiểu kỹ và chính xác hơn về định nghĩa như thế nào là “cô đơn”, cũng như những lý do khác nhau, các hệ quả về sức khỏe, triệu chứng và hướng điều trị khả thi cho tình trạng “cô đơn” trên con người.
Cô đơn là một trạng thái của tâm trí.
Mặc dù có nhiều định nghĩa mô tả cô đơn là một trạng thái biệt lập hoặc như kiểu “ở một mình”, nhưng sự cô đơn trong thực tế, là một trạng thái của tâm trí. Cô đơn khiến con người ta cảm thấy trống rỗng, cô lập và như kiểu không ai đoái hoài đến. Những người cô đơn thường thèm khát được tiếp xúc với người khác nhưng chính trạng thái tâm lý này của họ khiến họ càng lúc càng gặp khó khăn hơn trong việc tạo dựng kết nối với người khác.
Sự cô đơn, theo nhiều chuyên gia, không phải lúc nào cũng là “ở một mình”. Nói đúng hơn, nếu bạn cảm thấy bị cô lập hay ở một mình, thì đó chính là tác động của sự cô đơn lên trạng thái tâm trí của bạn. Ví dụ, một sinh viên năm nhất có thể cảm thấy cô đơn mặc dù ở cạnh nhiều bạn bè cùng phòng hoặc những người bạn khác. Một người lính mới bắt đầu vào quân ngũ có thể cảm thấy cô đơn sau khi bị điều động đến một đất nước xa lạ, mặc cho anh ta luôn được vây quanh bởi những đồng đội khác trong doanh trại.
Nguyên nhân.
Theo nghiên cứu của TS. John Cacioppo, Tiffany và Margaret Blake – Giáo sư tiêu biểu, người sáng lập và giám đốc của Trung tâm Thần kinh học Xã hội và Nhận Thức, Đại học Chicago, đồng sáng lập ngành thần kinh học xã hội, và là một trong những chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ nghiên cứu về sự cô đơn, thì sự cô đơn có liên hệ mật thiết với gen di truyền. Những yếu tố đóng góp khác bao gồm: tác động từ tình huống như bị cô lập thể chất, chuyển đến một địa điểm mới hoặc ly hôn. Cái chết của một người quan trọng cũng có thể đưa đến cảm giác cô đơn. Ngoài ra, nó còn có thể là triệu chứng của một rối loạn tâm lý như trầm cảm.
Cô đơn xuất hiện có thể do một số yếu tố nội tại của mỗi người như lòng tự trọng thấp. Người thiếu tự tin vào bản thân thường nghĩ rằng mình chẳng có chút giá trị nào, không đáng để người khác chú ý hay quan tâm. Điều này có thể dẫn đến trạng thái cô lập và tình trạng cô đơn kéo dài.

Những nguy cơ sức khỏe liên quan đến sự cô đơn.
Cô đơn gây ra vô vàn những tác động tiêu cực lên cả sức khỏe thể chất và tinh thần, bao gồm:
– Trầm cảm và tự sát.
– Các bệnh lý tim mạch và đột quỵ.
– Căng thẳng gia tăng.
– Trí nhớ và khả năng học tập giảm sút.
– Các hành vi chống đối xã hội.
– Khả năng đưa ra quyết định kém.
– Nghiện rượu bia và lạm dụng ma túy.
– Phát triển bệnh Alzheimer.
– Thay đổi chức năng não bộ.
Đây không phải là những khía cạnh duy nhất mà sự cô đơn gây tác động lên.
“Những người lớn cô đơn tiêu thụ nhiều rượu bia hơn và ít tập thể dục hơn những người không cô đơn. Chế độ ăn của họ có lượng chất béo cao, giấc ngủ của họ kém hơn, và ghi nhận ban ngày họ bị mệt mỏi nhiều hơn. Sự cô đơn cũng phá hoại sự điều hòa quá trình vận hành của các tế bào sâu bên trong cơ thể, khiến chúng ta đối mặt với tình trạng lão hóa sớm.” TS. John Cacioppo.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mức độ cô đơn thấp có liên quan đến đời sống hôn nhân hạnh phúc, thu nhập và học vấn cao hơn. Mức độ cô đơn cao có liên quan đến nhứng triệu chứng sức khỏe thể chất, sống một mình, mạng lưới xã hội nhỏ và các mối quan hệ xã hội có chất lượng kém.
Bạn thân giúp ta chiến đấu với sự cô đơn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng sự cô đơn đang ngày càng trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ. Từ năm 1985, tại Hoa Kỳ, số người không có bạn thân đã tăng lên gấp ba. Sự lớn mạnh của internet và trớ trêu thay là mạng xã hội cũng chịu phần một trách nhiệm cho thực trạng này.
Các chuyên gia tin rằng không phải số lượng tương tác xã hội mà là chất lượng của các tương tác này mới giúp ta chống lại sự cô đơn. Chỉ cần có 3-4 người bạn thân là đủ để ta xua tan đi sự cô đơn và làm giảm những hệ quả tiêu cực lên sức khỏe có liên quan đến trạng thái tinh thần này.
Cô đơn có thể lây lan.
Một nghiên cứu cho rằng sự cô đơn thực ra có thể lây lan. Trong một nghiên cứu kéo dài 10 năm, các nhà nghiên cứu đã đào sâu vào cách thức lan rộng của sự cô đơn trên các mạng xã hội. Kết quả chỉ ra rằng người nào ở gần những người đang cô đơn sẽ có 52% khả năng trở nên cô đơn.
Gợi ý giúp ngăn ngừa sự cô đơn.
Chúng ta đều có thể vượt qua sự cô đơn. Nhưng chính bạn cần phải thực sự nỗ lực để kiến tạo sự thay đổi. Thay đổi, về lâu dài, có thể giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn, khỏe mạnh hơn và giúp bạn tác động lên những người xung quanh theo những cách tích cực.
Sau đây là một số cách giúp ngăn ngừa sự cô đơn.
– Công nhận cô đơn là một dấu hiệu báo cho ta biết mình cần thay đổi.
– Hiểu được những tác động mà sự cô đơn gây ra trên cuộc sống, cả thể chất và tinh thần.
– Cân nhắc tham gia các dịch vụ cộng đồng hay các hoạt động khác mà bạn thích. Những bối cảnh này mang đến cơ hội tuyệt vời giúp bạn gặp gỡ mọi người và vun đắp tình bạn và các tương tác xã hội mới.
– Tập trung vào hình thành những mối quan hệ chất lượng với người có cùng thái độ sống, mối quan tâm và giá trị với bạn.
– Cứ mong chờ vào những điều tốt đẹp nhất. Người cô đơn thường hay nghĩ đến việc mình sẽ bị từ chối, thay vì như vậy, hãy chú tâm vào những suy nghĩ và thái độ tích cực trong các mối quan hệ xã hội của bạn.
Tham khảo.
Beaton C. Why Millennials Are Lonely. Forbes. Published February 9, 2017.
Cacioppo JT, Fowler JH, Christakis NA. Alone in the Crowd: The Structure and Spread of Loneliness in a Large Social Network. Journal of Personality and Social Psychology. January 1, 2010;97(6):977-991. doi:10.1037/a0016076.
Cacioppo JT, Decety J. What Are the Brain Mechanisms on Which Psychological Processes Are Based? Perspectives on Psychological Science. January 2009;4(1):10-18. doi:10.1111/j.1745-6924.2009.01094.x.
Ebesutani C, Drescher C, Reise S, et al. The Loneliness Questionnaire—Short Version: An Evaluation of Reverse-Worded and Non-Reverse-Worded Items Via Item Response Theory. Journal of Personality Assessment. Published March 9, 2012.
University of Chicago. Loneliness Affects How the Brain Operates. Science Daily. Published February 17, 2009.
Nguồn: trangtamly.blog