Bạn có biết rằng nhân cách con người hình thành dựa trên bao nhiêu yếu tố, và đó là những yếu tố nào hay không? Bài viết này của Miền Hải Đăng sẽ cho bạn biết, các nguyên cứu tâm lý học đã chỉ ra 5 yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới sự phát triển hình thành nhân cách của con người. Năm yếu tố đó là: bẩm sinh; môi trường tự nhiên; môi trường xã hội (yếu tố văn hoá, lịch sử) ; yếu tố giáo dục và tự giáo dục; cuối cùng là yếu tố tích cực hoạt động và giao tiếp cá nhân. Bên cạnh đó cũng giúp bạn hiểu về rối loạn nhân cách và phải làm gì khi gặp rối loạn nhân cách.
1. Yếu tố bẩm sinh trong hình thành nhân cách
Trong khoa học, nói tới yếu tố di truyền bẩm sinh là nói tới đặc điểm nổi bật trong cấu tạo sinh học của cơ thể sinh giới (trong đó có cấu tạo cơ thể của con người). Đó là sự truyền lại của thế hệ trước cho thế hệ sau những đặc điểm, thuộc tính giống như mình do một hay nhiều gen bằng con đường sinh học trực tiếp. Bằng con đường di truyền sinh học thế hệ trước để lại trong cấu tạo cơ thể của thế hệ sau một “vốn liếng” tối thiểu giúp nó có thể tương tác với môi trường một cách vô thức ngay từ khi ra đời theo hướng có lợi cho sự tồn tại của nó ( tương tự như khái niệm vô thức tập thể của Carl Jung). Vì thế trẻ em sinh ra đã bản chất mang một số thuộc tính đặc trưng của loài người, của cha mẹ ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách sau này của cá nhân.

2. Yếu tố môi trường tự nhiên trong hình thành nhân cách
Cơ chế sinh học và môi trường tự nhiên (nơi sinh sống) thường liên quan đến nhau (Johnson, 2007). Ở cấp độ phát triển cá thể, gen là các đơn vị phân tử mã hóa cho việc sản xuất protein, trong đó các chất dinh dưỡng khác nhau nhất thiết phải được lấy từ môi trường. Tương tự, trải nghiệm môi trường có thể ảnh hưởng đến sự biểu hiện của một số gen nhất định thông qua các quá trình biểu sinh và cá nhân có thể chủ động sử dụng các đặc điểm ảnh hưởng di truyền để chọn hoặc thay đổi môi trường của chúng ( Scarr & McCartney, 1983). Ở cấp độ phát sinh loài, các kiểu gen có thể đã tiến hóa để chuẩn bị cho các cá nhân phản ứng với các phản ứng nhất định với tín hiệu môi trường. Mà gen di truyền lại có ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách nên môi trường tự nhiên gây ra sự thay đổi ở gen nghĩa là cũng có sự ảnh hưởng tới phát triển nhân cách ở con người.
3. Yếu tố môi trường xã hội trong hình thành nhân cách
Là hệ thống các mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học, kỹ thuật, văn hoá, đạo đức, nghệ thuật…được tạo nên do hoạt động và giao lưu tích cực của con người trong tiến trình phát triển lịch sử loài người. Chính trong quá trình hình thành, vận động và phát triển thông qua sự tương tác qua lại lẫn nhau một cách có ý thức giữa người và người khi nó tích cực hoạt động và giao lưu tâm lý, nhân cách con người được hình thành và không ngừng phát triển. Chính các quan hệ xã hội (kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học, nghệ thuật…) mà cá nhân gia nhập vào bằng hoạt động và giao lưu của mình là nguồn gốc làm nảy sinh ở nó những động cơ, hoài bão, thói quen, nhu cầu, hứng thú và các thuộc tính khác của nhân cách.
Yếu tố văn hoá trong hình thành nhân cách

Văn hoá là tất cả các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử, được các thế hệ con người thừa kế, tiếp nhận và tiếp tục không ngừng sáng tạo thêm, đối lập với những cái có sẵn trong tự nhiên. Từ góc độ tâm lý học, L. X. Vưgôtxky nhiều lần nhấn mạnh văn hoá là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất tạo ra con người và sự phát triển tâm lý ở trình độ cao (các chức năng tâm lý cấp cao chỉ có ở người). Theo ông văn hoá sáng tạo ra các hình thái đặc biệt của hành vi; thay đổi loại hình hoạt động của các chức năng tâm lý; kiến tạo nên các tầng mới trong hệ thống luôn phát triển của hành vi con người. Trong quá trình phát triển lịch sử, con người xã hội thay đổi phương thức và phương pháp hành vi của mình, chuyển hoá các tố chất và các chức năng thiên nhiên, tạo lập các dạng thức mới – văn hóa đặc thù của hành vi. Vậy, văn hoá là một yếu tố vô cùng quan trọng trong sự hình thành phát triển nhân cách con người.
Yếu tố lịch sử trong hình thành nhân cách

Môi trường lịch sử của sự phát triển tâm lý, nhân cách của cá nhân là trình độ phát triển về mọi mặt (kinh tế, chính trị, khoa học, nghệ thuật…) của giai đoạn phát triển lịch sử xã hội của một quốc gia dân tộc mà trong đó cá nhân được sinh ra và lớn lên; những sự kiện lịch sử, những biến đổi xã hội (trong đó phải kể đến cả những sự kiện, những biến động diễn ra trong cuộc đời riêng của mỗi người) mà cá nhân đã và đang trải nghiệm như một nhân chứng lịch sử. Thông qua hoạt động và giao lưu của mình trong những sự kiện lịch sử, những biến đổi xã hội mình đã và đang trải qua, cá nhân tiếp thu được (và biến thành của riêng mình) những tri thức, những thành tựu văn hoá tương ứng với từng sự kiện lịch sử và biến đổi xã hội đó, làm cho nhân cách của cá nhân luôn vận động, thay đổi và phát triển .
4. Yếu tố giáo dục và tự giáo dục trong hình thành nhân cách

Bằng con đường di truyền sinh học, thế hệ trước truyền lại trong cơ thể của thế hệ sau những đặc điểm về cấu tạo sinh học giống mình, giúp thế hệ sau thích ứng ngay được với môi trường sống không thay đổi. Nhưng giáo dục (bao gồm tổng thể những việc làm có mục tiêu, chương trình, kế hoạch, phương pháp tiến hành được vạch ra, với các hình thức gia đình, nhà trường, xã hội) và tự giáo dục mới là con đường duy nhất thông qua đó mỗi cá nhân, tiếp thu và biến những tri thức, những giá trị văn hoá mà loài người đã phát hiện ra, tích luỹ được, thành tài sản riêng dưới hình thức những phẩm chất và năng lực trong cấu trúc nhân cách của mình, trên cơ sở đó đóng góp vào sự phát triển xã hội. Vì thế giáo dục (và tự giáo dục) là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người.
5. Yếu tố tích cực hoạt động và giao tiếp cá nhân trong hình thành nhân cách
Một lần nữa ở đây cần nhắc lại rằng, các mối quan hệ qua lại giữa con người với môi trường văn hoá, xã hội, lịch sử và giáo dục không thể diễn ra ngoài hoạt động của con người trong đó con người là chủ thể. Tính chủ thể càng cao thì sự nỗ lực ý chí được huy động càng lớn, mọi khó khăn, cản trở sẽ được vượt qua, làm cho hành động đạt được mục đích cuối cùng mà chủ thể mong đợi. Ngược lại, tính chủ thể thấp sẽ làm cho hành động không đạt được mục đích cuối cũng như kỳ vọng của chủ thể, thậm chí thất bại hoàn toàn. Vì vậy, tính chủ thể trong hoạt động và giao lưu của cá nhân trong các mối quan hệ với môi trường văn hoá, xã hội, lịch sử và giáo dục giữ vai trò trực tiếp quyết định sự ảnh hưởng của nó đến hình thành và phát triển nhân cách của cá nhân.
Vậy các rối loạn nhân cách là gì?
Nhân cách con người không phải là một cấu trúc bất biến; nó có thể phát triển, điều chỉnh hoặc gặp rối loạn dưới tác động của nhiều yếu tố như di truyền, môi trường và trải nghiệm sống. Trong một số trường hợp, những thay đổi này có thể dẫn đến các rối loạn nhân cách- những mô hình hành vi và cảm xúc kéo dài, cứng nhắc, gây khó khăn trong việc thích nghi với các tình huống xã hội và cá nhân.
Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA), rối loạn nhân cách là những mô hình hành vi và trải nghiệm nội tâm kéo dài, lệch lạc so với kỳ vọng văn hóa, bắt đầu từ tuổi vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành, và gây ra sự suy giảm đáng kể trong chức năng xã hội, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác.
Các nhóm rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách được phân loại thành ba nhóm chính:
- Nhóm A (Kỳ quặc hoặc lập dị): Bao gồm rối loạn nhân cách hoang tưởng, phân liệt và phân liệt dạng phân liệt.
- Nhóm B (Kịch tính, cảm xúc hoặc không ổn định): Bao gồm rối loạn nhân cách chống đối xã hội, ranh giới, kịch tính và ái kỷ.
- Nhóm C (Lo âu hoặc sợ hãi): Bao gồm rối loạn nhân cách tránh né, phụ thuộc và ám ảnh cưỡng chế.
Mỗi loại rối loạn nhân cách có đặc điểm riêng biệt, nhưng điểm chung là gây ra khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ và thực hiện các chức năng xã hội.
Tại sao cần quan tâm đến rối loạn nhân cách?
Rối loạn nhân cách có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của người mắc và những người xung quanh. Chúng thường không được nhận biết hoặc chẩn đoán đúng cách, dẫn đến việc không được điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ về các rối loạn này giúp chúng ta nhận diện sớm và tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp, như tham vấn hoặc trị liệu tâm lý, để cải thiện tình trạng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Gặp các vấn đề rối loạn nhân cách thì bạn có thể tìm đến ai để trợ giúp?
Nếu bạn (hoặc người thân) có dấu hiệu rối loạn nhân cách – như khó kiểm soát cảm xúc, hành vi lặp lại gây tổn hại cho bản thân hoặc người khác, khó thiết lập và duy trì các mối quan hệ – thì điều quan trọng nhất là không tự cô lập hay tự “chẩn đoán – chữa trị”.
Dưới đây là các bước nên thực hiện:
1. Thừa nhận vấn đề – Không né tránh
Rối loạn nhân cách thường đi kèm cơ chế phòng vệ mạnh (như phủ nhận, đổ lỗi…), khiến người mắc khó nhìn nhận vấn đề. Tuy nhiên, sự chủ động nhìn nhận là bước đầu tiên để chữa lành. Không có gì sai khi bạn cần trợ giúp tâm lý – điều đó thể hiện sự mạnh mẽ và trách nhiệm với chính mình.
2. Tìm đến nhà tâm lý học được đào tạo bài bản
Việc phân biệt giữa khó khăn cảm xúc thông thường và rối loạn nhân cách cần sự đánh giá lâm sàng chuyên sâu. Bạn nên tìm đến:
- Nhà trị liệu tâm lý có chuyên môn về rối loạn nhân cách
- Nhà tâm lý học lâm sàng
- Hoặc bác sĩ tâm thần nếu có biểu hiện nghiêm trọng (như tự hủy hoại, hoang tưởng…)
Các nhà tâm lý học sẽ giúp bạn:
- Hiểu rõ rối loạn mình đang gặp
- Xây dựng kế hoạch trị liệu phù hợp (thường bằng liệu pháp tâm lý dài hạn, không dùng thuốc)
- Theo dõi tiến triển và hỗ trợ lâu dài
👉 Để hiểu khi gặp rối loạn nhân cách nên đi tư vấn tâm lý, trị liệu tâm lý hay tham vấn tâm lý, đọc thêm TẠI ĐÂY
3. Cam kết với quá trình trị liệu dài hạn
Trị liệu cho rối loạn nhân cách không phải là quá trình “chữa nhanh”. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng tin, và mối quan hệ hợp tác bền vững giữa thân chủ và nhà trị liệu.
Kết luận
Nhân cách không chỉ được “sinh ra” từ bẩm sinh hay môi trường, mà là sự kết tinh phức tạp giữa di truyền, xã hội, giáo dục và trải nghiệm cá nhân. Những yếu tố này có thể nuôi dưỡng sự trưởng thành lành mạnh – nhưng cũng có thể tạo ra lệch lạc, tổn thương hoặc rối loạn nếu không được nhận diện và xử lý đúng cách.
Hiểu được sự hình thành nhân cách và biến đổi, chúng ta không chỉ hiểu chính mình mà còn biết khi nào nên tìm đến sự hỗ trợ chuyên môn. Trong trường hợp có dấu hiệu rối loạn nhân cách hoặc những khó khăn sâu về cảm xúc – hành vi, trị liệu tâm lý là những phương pháp can thiệp khoa học, an toàn và hiệu quả để phục hồi và phát triển cá nhân một cách bền vững.
Bạn có thể đặt lịch với các nhà trị liệu tâm lý nhiều kinh nghiệm của Văn phòng tâm lý Miền Hải Đăng TẠI ĐÂY.
Hoặc bạn còn bất kỳ thắc mắc, băn khoăn nào cần giải đáp, đừng ngần ngại nhắn tin cho Miền Hải Đăng qua zalo hoặc messenger nhé!
* Tài liệu tham khảo: