Những thói quen tưởng chừng tốt nhưng thực tế là không!

Trong cuộc sống, thói quen của một người có thể được tạo ra từ những nguyên do tình cờ hoặc đến từ chính chủ ý của người đó. Những thói quen này thường được hình thành có chủ ý khi chúng ta tin chúng có thể mang lại những ích lợi cho bản thân mình. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải tất cả những thói quen trước nay chúng ta cho là tốt lại thực sự mang đến những lợi ích tích cực như ta tưởng. Dưới đây là một số những thói quen không thực sự tốt cho sức khỏe tinh thần nhưng chúng ta lại tin tưởng là có.

  • Luôn cố tỏ ra tích cực

Sự tích cực chắc chắn là yếu tố cần thiết để chúng ta tìm ra hướng giải quyết các vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, thường xuyên sử dụng sự tích cực để che giấu hay thậm chí là kìm nén cảm xúc có thể gia tăng sự căng thẳng cho cơ thể. Một số người cũng sử dụng sự tích cực như một cách để né tránh việc đối mặt với các khó khăn bằng hy vọng những khó khăn này sẽ tự động biến mất. Để thay đổi thói quen này, bạn có thể luyện tập chia sẻ cảm xúc của mình ra bên ngoài, có thể là với người thân, bạn bè, hay thậm chí là một cuốn sổ nhật ký. Bạn sẽ cảm thấy bình tâm hơn khi được chia sẻ cảm xúc, từ đó tạo nguồn lực để tự mình đương đầu và giải quyết các vấn đề khó khăn.

  • Làm việc quá nhiều 

Một số người chia sẻ rằng họ vượt qua các vấn đề khó khăn bằng cách lao vào công việc với cường độ cao. Nhiều ý kiến cho rằng việc đó mang lại lợi ích kép khi vừa có thể quên đi các vấn đề buồn phiền, vừa có thể đạt nhiều thành tựu trong công việc. Thoạt nghe phương pháp này có vẻ rất hợp lý nhưng thực tế thì nó lại khiến bạn đối mặt với nhiều nguy cơ hơn. Việc kéo dài thời gian làm việc cường độ cao có thể khiến cơ thể vượt ngưỡng chịu đựng gây nên sự suy giảm nghiêm trọng về thể chất. Lúc này, các suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực về các vấn đề bạn tránh né trước đó có thể quay lại tấn công dễ dàng vì bạn đã mất khả năng phòng vệ. Kết quả dẫn đến việc bạn có thể bị suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần. 

  • Tránh né xung đột

Xung đột ở đây được định nghĩa rộng hơn so với việc chỉ ám chỉ đến bạo lực. Sự xung đột ở đây có thể đề cập đến sự trái ngược trong quan điểm, suy nghĩ hoặc cách nhìn nhận một vấn đề nào đó giữa con người với con người. Ở đây, thói quen tránh né xung đột có thể được hiển thị như việc bạn lựa chọn việc giữ im lặng, thậm chí là ngó lơ vấn đề trong khi bản thân có quá nhiều các suy nghĩ và cảm xúc cần được bày tỏ. Thói quen này khiến cho các cảm xúc và suy nghĩ của bạn bị tích đầy, trực chờ bùng nổ bất cứ lúc nào. Thay vì tránh né, bạn có thể tập luyện thêm về hướng giải quyết các vấn đề xung đột trong cuộc sống. Chia sẻ và học hỏi thêm các hướng giải quyết xung đột từ gia đình, bạn bè, internet,… có thể là một lựa chọn hợp lý cho bạn trong trường hợp này.

  • Nói “Có” trong mọi trường hợp

Thói quen này thường được tạo ra với kỳ vọng xây dựng hình ảnh tốt trong mắt mọi người. Một số khác thừa nhận họ thường xuyên nói “Có” bởi vì ngại từ chối hoặc cảm thấy lo sợ mất đi các mối quan hệ. Trên thực tế, chúng ta đều hiểu việc làm hài lòng tất cả mọi người gần như là điều không tưởng. Ngược lại, việc nói “Có” khi bản thân không cảm thấy thoải mái, miễn cưỡng có thể khiến bạn bị dồn nén cảm xúc, thậm chí là nảy sinh các xung đột giá trị bên trong bạn. Thêm vào đó, thói quen này có thể tạo ra những mối quan hệ không lành mạnh khi có thể phát sinh các yếu tố về lợi dụng. Để hạn chế thói quen này, bạn có thể luyện tập chia sẻ chân thật và rõ ràng các vấn đề của mình với người nhờ. Quan trọng hơn, bạn cũng cần chấp nhận việc bản thân không thể làm hài lòng tất cả mọi người.

Điểm chung của những thói quen trên đều đến từ cách chúng ta tự nhìn nhận về suy nghĩ, cảm xúc của bản thân. Chân thật với chính mình là cách hiệu quả để nâng đỡ và chăm sóc tốt cho tinh thần của bạn. Bạn có thể xây dựng thói quen này ngay từ bây giờ để cảm nhận những lợi ích thực sự mà nó mang lại cho mình.


Miền Hải Đăng.