NHỮNG KHÓ KHĂN THÁCH THỨC TRẺ VỊ THÀNH NIÊN PHẢI ĐỐI MẶT.
Tại trường học, trẻ được học rất nhiều kiến thức tự nhiên xã hội bổ ích. Bên cạnh đó, giáo dục giới tính gần đây cũng đã được chú trọng và giảng dạy tại nhiều trường học. Tuy nhiên bộ môn này chỉ dạy trẻ về những thay đổi mang tính sinh học mà chưa có chương trình giảng dạy nào về những thay đổi và khó khăn tinh thần ở lứa tuổi này. Trong khi đó HIỂU và CHẤP NHẬN những thay đổi, khó khăn của lứa tuổi mình là điều vô cùng quan trọng giúp trẻ bước qua giai đoạn vị thành niên một cách thuận lợi và phát triển tốt. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên có sự hiểu biết về vấn đề này để THẦU HIỂU và HỖ TRỢ trẻ một cách toàn diện.
Tâm sinh lý vị thành niên (12-17 tuổi) thường được gắn với những cụm từ như “khủng hoảng”, “bão tố”, “nổi loạn”, hay “bất trị”. Đây là giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt trong sự phát triển cuộc đời mỗi con người, có nhiều thay đổi về sinh lý, nhận thức, cấu trúc nhân cách và vị thế xã hội. Sự thay đổi ở trẻ vị thành niên có các đặc điểm chính sau:
1/ Sự thay đổi lớn về thể chất:
– Về mặt thể chất, cơ thể trẻ phát triển nhanh chóng trong hệ hô hấp, tuần hoàn. Tim phổi làm việc khó khăn hơn để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng này khiến máu lên não không đều, dẫn tới sự ảnh hưởng tâm trạng chung của trẻ, làm cho cảm xúc tình cảm của thiếu niên ko ổn định.
– Bên cạnh đó các hormon tính dục sản sinh nhiều làm trẻ dậy thì lúc nào cũng trong tình trạng bứt rứt bồn chồn.
2/ Sự thay đổi lớn về nhận thức:
– Trẻ phát triển mạnh mẽ về tư duy trừu tượng nên rất thích khám phá thế giới, dễ lôi cuốn vào các trò chơi mạo hiểm, điện tử và thế giới ảo trên mạng.
– Trẻ phát triển sự tự ý thức nên luôn cảm giác mình là người lớn. Giai đoạn này trẻ có những đánh giá bản thân một cách sâu sắc phức tạp hơn nhiều, nên đôi khi dễ trở nên quá nhạy cảm, dẫn tới sự không hài lòng về mình. Trẻ có xu hướng tách bản thân khỏi xã hội để đi sâu phân tích bản thân, nên thường cảm thấy cô đơn, buồn vô cớ. Đặc biệt, trẻ thường giữ những tâm tư này cho riêng mình mà ít chia sẻ với bạn bè người thân nên trẻ có cảm giác cảm xúc của mình rất mạnh mẽ và khác người, chẳng ai giống mình cả.
– Trẻ đang hình thành biểu tượng đồng nhất về bản thân( Bản sắc Identity), nên bản sắc chưa ổn định, dễ bị tác động bởi lời khen chê hay giễu cợt, ảnh hưởng tới lòng tự trọng của trẻ. Ở giai đoạn này trẻ có nhu cầu mong muốn hình thành bản sắc và giành quyền độc lập tự quyết với cha mẹ – đây là nhu cầu chính đáng mà cha mẹ nên hiểu và hỗ trợ. Nếu mong muốn này được hỗ trợ đúng cách sẽ mang lại phương hướng và mục tiêu ý nghĩa cho cuộc sống của trẻ. Trẻ học học tập và chắt lọc rất nhiều từ xã hội giai đoạn này để hình thành bản sắc cá nhân, do đó sự quan tâm định hướng đúng đắn vô cùng quan trọng.
Từ những đặc điểm thay đổi về mặt thể chất, tinh thần như vậy mà trẻ vị thành niên dễ gặp phải các khó khăn cần đối mặt và giải quyết sau đây:
1/ MÂU THUẪN CHA MẸ CON CÁI: Mâu thuẫn có thể là về khác biệt nhận thức nhưng chủ yếu là nhu cầu độc lập của con cái. Phụ huynh cần để trẻ độc lập về tư duy và xây dựng khả năng tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp chuẩn mực xã hội. Phong cách giáo dục của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển hình thành nhân cách của trẻ. Những trẻ có cảm nhận mạnh mẽ về giá trị về bản thân đều lớn lên trong gia đình cha mẹ không chỉ dạy dỗ chỉ bảo mà còn cho phép con cái được quyền có chính kiến riêng.
2/ CẢM XÚC THẤT THƯỜNG: Trẻ chưa ổn định về mặt nhận thức các chuẩn mực đạo đức; chưa ổn định về mặt tự đánh giá bản thân; có những mâu thuẫn trong tính cách và xu hướng ( lúc thì rụt rè, lúc lại suồng sã, lúc nội tâm lúc lại rộng mở,v,v). Do trẻ ko ổn định nhân cách nên dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài. Cảm giác cô đơn không ai hiểu mình ở gia đình và trường lớp khiến trẻ dễ tham gia các nhóm bạn xấu và dễ bị lợi dụng ( lạm dụng tình dục; có thai ngoài ý muốn; sử dụng chất gây nghiện; tự tử).
3/ DỄ CÓ NHỮNG HÀNH VI NGUY CƠ VÀ DỄ BỊ LỢI DỤNG: Trẻ có nhu cầu rất lớn trong giai đoạn này về định hướng giá trị, chuẩn mực đạo đức, quan điểm xã hội; mà gần gũi nhất là từ cha mẹ và giáo dục gia đình. Nếu không tìm thấy sự định hướng phù hợp từ cha mẹ gia đình thì trẻ sẽ định hướng theo các giá trị của nhóm bạn bè và dễ hội nhập phải các giá trị sai lệch, dẫn tới có các hành vi chống đối chuẩn mực xã hội.
4/ VỀ GIAO TIẾP: Ở giai đoạn này trẻ có hành vi muốn làm người lớn, muốn tự lập và muốn tìm thấy sự tương đồng, thông hiểu chấp nhận để cảm thấy tự tin và hiểu bản thân hơn. Tuy nhiên trẻ lại ít tìm thấy sự tương đồng, thấu hiểu mong muốn đó từ người lớn, cũng không muốn bị người lớn la rầy, chỉ bảo, nên trẻ nảy sinh nhu cầu mạnh mẽ là kết bạn đồng trang lứa. Do chỉ kết bạn với bạn bè đồng trang lứa nhiều hơn là với trẻ nhỏ và người lớn, dẫn tới trẻ vô tình mất đi vai trò thủ lĩnh với những trẻ nhỏ hơn và mất sự kết nối học hỏi với người lớn tuổi.
Tóm lại, tuổi vị thành niên là giai đoạn chín muồi về tình dục và trưởng thành dần về tâm lý, khả năng nhận thức vượt bậc, sự tự ý thúc biến đổi sâu sắc. Ngoài xu hướng muốn độc lập trẻ còn có nhu cầu kết bạn đồng trang lứa. Trẻ muốn bảo vệ quyền tự quyết của bản thân nên không muốn cha mẹ kiểm soát, dễ dẫn tới xung đột với cha mẹ nếu cảm thấy bị xâm phạm quyền này. Bên cạnh đó trẻ vị thành niên vẫn rất cần sự chỉ bảo hỗ trợ, động viên, tình yêu thương của cha mẹ và những người xung quanh. Chính vì vậy, người lớn nên có những ứng xử phù hợp để giúp các em phát triển và vượt qua những khó khăn của giai đoạn lứa tuổi này.
Miền Hải Đăng.
Tài liệu tham khảo:
Trương Thị Khánh Hà(2019), Tâm lý học phát triển. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.